Azerbaijan nhờ Mỹ giải quyết xung đột với Armenia

Ngày 4/7, Tổng thống Azerbaijan đã đề nghị Mỹ giải quyết tranh chấp giữa nước này với Armenia ở khu vực ly khai Nagorny Karrabakh.
Ngày 4/7, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã đề nghị Mỹ giúp tìm một giải pháp "trên cơ sở luật pháp quốc tế" để giải quyết cuộc tranh chấp giữa nước này với Armenia ở khu vực ly khai Nagorny Karrabakh.

Trong cuộc họp báo chung tại thủ đô Baku với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang ở thăm Azerbaijan trong chuyến công du Đông Âu và khu vực Kavkaz, ông Ilham Aliyev đã bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với Azerbaijan và các bên liên quan nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột được ông cho là vấn đề chính của Baku và cũng là mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Clinton cho biết Washington sẵn sàng giúp Azerbaijan và Armenia đạt một thỏa thuận hòa bình về khu vực Nagorny Karrabakh. Bà cho biết giải quyết vấn đề này là một ưu tiên cao đối với Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ còn lên án các vụ bạo động ở khu vực này.

Đây là lần đầu tiên bà Clinton tới Azerbaijan và là chuyến thăm thứ hai của một quan chức cấp cao Mỹ tới nước này trong vài tuần qua sau chuyến thăm đầu tháng 6/2010 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Washington đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với Azerbaijan, nước được coi là một mắt xích thiết yếu trong các tuyến đường cung cấp hậu cần cho lực lượng liên quân ở Afghanistan và cũng là một trục năng lượng quan trọng ở khu vực này.

Azerbaijan trước đó đã chỉ trích Mỹ "xem nhẹ mối quan hệ với nước này" và phớt lờ những lợi ích của Azerbaijan bằng việc chỉ ủng hộ nỗ lực hòa giải giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ - nước đã đóng cửa biên giới với Armenia do cuộc xung đột ở Karrabakh, mà không xem xét những đề nghị của Azerbaijan về nỗ lực giải quyết cuộc xung đột này.

Nagorny Karrabakh là khu vực nằm trên lãnh thổ Azerbaijan, song có đông người Armenia sinh sống và từ lâu là điểm nóng tranh chấp giữa hai nước Azerbaijan và Armenia. Căng thẳng ở khu vực này đã gia tăng trong những tháng gần đây khi các cuộc đàm phán về quy chế cho khu vực này rơi vào thế bế tắc. Tháng Sáu vừa qua, xung đột tại khu vực này đã làm ít nhất bốn binh sĩ Armenia và hai lính Azerbaijan bị thiệt mạng.

Mỹ, Pháp và Nga đã có nhiều nỗ lực làm trung gian đàm phán về giải pháp cho vấn đề tranh cãi này kể từ năm 1994, nhưng cuộc đàm phán không mấy tiến triển do Mỹ không thực sự quan tâm đến việc giải quyết cuộc xung đột Nagorny Karrabakh, mà muốn trước tiên thúc đẩy việc mở cửa biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Armenia.

Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là đồng minh của Azerbaijan, đã cho đóng cửa biên giới với Armenia kể từ năm 1993 nhằm phản đối Armenia chiếm đóng Nagorny Karrabakh. Cách hành xử của Mỹ trong vấn đề gây tranh cãi này đã vấp phải sự phản đối từ Baku./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục