40 năm ngày mất của tác giả "Nhật ký chiến tranh"

Cố nhà văn Chu Cẩm Phong đã ghi lại chân thực, hoành tráng về cuộc chiến đấu vĩ đại của nhân dân Việt Nam, vừa bình dị vừa phi thường.
Sáng 12/5, đông đảo nhà văn, nhà thơ và người thân của nhà văn Chu Cẩm Phong đã tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm ngày mất của nhà văn, anh hùng lực lượng vũ trang này (1971-2011), tổ chức ở Hà Nội.

Nhà văn, liệt sỹ Chu Cẩm Phong, tên khai sinh là Trần Tiến, sinh năm 1941 tại phường Minh An, Hội An, tỉnh Quảng Nam, tác giả của “Mặt biển-mặt trận,” “Rét tháng Giêng” và đặc biệt là cuốn “Nhật ký chiến tranh” nổi tiếng.

Tên tuổi của nhà văn Chu Cẩm Phong đã gắn với biểu tượng nhà văn chiến sỹ và phẩm chất anh hùng cách mạng.

Năm 1954, tập kết ra Bắc, học tại các trường phổ thông của học sinh miền Nam; năm 1964, Chu Cẩm Phong tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, được chọn cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng đã xin về Nam chiến đấu.

Đa phần tham luận tại buổi lễ đều nhắc lại kỷ niệm đã gắn bó một thời của những người đồng đội với nhà văn và đánh giá về nhân cách cao đẹp, sự hi sinh anh dũng của Đảng viên, Bí thư chi bộ Chu Cẩm Phong.

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng xuất bản cuốn: “Nhật ký chiến tranh” của nhà văn Chu Cẩm Phong với đầy đủ những phần ghi chép của ông.

Đánh giá về cuốn sách, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng nhật ký Chu Cẩm Phong là tác phẩm văn học tư liệu giá trị nhất. Chu Cẩm Phong đã ghi lại chân thực, hoành tráng về cuộc chiến đấu vĩ đại của nhân dân Việt Nam vừa bình dị lại vừa phi thường.

Đọc nhật ký, chúng ta thấy hiện lên cả một tập thể những tấm gương xúc động và cao quý, vẻ đẹp và ánh sáng của một nhà văn khát khao lý tưởng. Chu Cẩm Phong đã phác thảo sinh động cả một thế hệ nhà văn, thế hệ cầm bút bấy giờ./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục