Nhiều thách thức hội nhập logistics trong ASEAN

Ngành dịch vụ logistics ở ASEAN hiện vẫn còn một số bất cập, đặt ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này.
Mất 217 giờ và 2.910 USD để vận chuyển 30 tấn hàng từ Bangkok (Thái Lan) đến Hà Nội bằng đường biển, 74 giờ và 5.500 USD bằng đường bộ, 29 giờ và 69.940 USD bằng đường không.

Những con số về chi phí thời gian và tiền bạc theo khảo sát mới nhất của các chuyên gia thuộc Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) về logistics là một minh chứng rõ nét nhất về những bất cập tồn tại trong ngành dịch vụ logistics ở ASEAN hiện nay.

Nhiều thách thức


Ngày 22/8, các quan chức, các chuyên gia và doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ logistics của ASEAN và Việt Nam đã họp tại Đà Nẵng để bàn thảo về những thách thức trên tiến trình hội nhập ngành dịch vụ logistics trong ASEAN nhằm tìm ra giải pháp giúp hàng hóa sản xuất ra đến tay người tiêu dùng nhanh nhất.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh tự do hóa logistics là một trong những ngành ưu tiên hội nhập nhanh trong ASEAN đã được các nước ASEAN xây dựng thành lộ trình cụ thể.

Mục tiêu của lộ trình là đẩy nhanh việc tự do hóa và thuận lợi hóa các phân ngành dịch vụ logistics đến năm 2013 và trong dài hạn biến ASEAN thành trung tâm logistics trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, với vai trò là chất kết dính các công đoạn từ khâu cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, quản lý chu trình sản xuất chung đến khâu đầu ra và phân phối thành phẩm đến tận tay người tiêu dùng, hội nhập ngành dịch vụ logistics sẽ giúp đẩy nhanh hơn nữa tiến trình liên kết giữa các ngành sản xuất trong nội bộ từng quốc gia thành viên cũng như giữa các quốc gia ASEAN với nhau, góp phần biến ASEAN thành một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung như mục tiêu đặt ra trong kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Tại hội thảo, các chuyên gia logistics của ASEAN đều nhất trí rằng trên con đường thực hiện mục tiêu hội nhập ngành dịch vụ logistics, nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo khảo sát mới nhất, 30% giá logistics phụ thuộc vào các luật lệ, quy định về vận tải, thông quan hàng hóa, 30-40% giá logistics phụ thuộc vào mức độ trì hoãn về thủ tục hành chính...

Bên cạnh đó, sự khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật, khung khổ pháp lý cũng như phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng giữa các nước và trình độ phát triển giữa các nước cũng là thách thức không nhỏ trên tiến trình hội nhập ngành dịch vụ logistics.

Đặc biệt, sự thiếu hụt về số lượng nhân lực có trình độ quản lý lĩnh vực logistics ở nhiều nước ASEAN chính là thách thức lớn hiện nay, đại diện JETRO nhấn mạnh.

Đối với Việt Nam, bên cạnh những thách thức chung, ngành dịch vụ logistics trong nước còn gặp phải vô vàn khó khăn. Điều kiện hạ tầng phần cứng còn nghèo nàn, chưa có những cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế để thu hút tàu biển có trọng tải lớn và hàng hóa trung chuyển giữa các quốc gia vào cảng Việt Nam, chưa phát triển vận tải hàng hóa bằng đường hàng không; hạ tầng đường bộ chưa hoàn chỉnh; hệ thống đường sắt chưa kết nối được nhiều với các cảng biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp...

Thêm vào đó, hạ tầng phần mềm là sử dụng công nghệ thông tin trong quản trị điều hành, cung cấp thông tin, giao dịch điện tử quản lý hoạt động logistics cũng chưa đáp ứng được.

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong nước lại đang cạnh tranh thiếu lành mạnh, thi nhau hạ giá thuê container để giành được hợp đồng. Chính vì vậy, theo ông Lê Quang Trung - Phụ trách Ban quản lý và phát triển dịch vụ logistics (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam), hiện hầu hết các tập đoàn toàn cầu hùng mạnh trong lĩnh vực logistics trên thế giới đã “tận dụng” đúng những hạn chế này để có mặt tại Việt Nam, nắm giữ tới 80% thị phần dịch vụ logistics.

Đồng bộ các giải pháp


Theo các chuyên gia logistics, giải pháp quan trọng để vượt qua thách thức chính là các nước ASEAN phải phối hợp xây dựng một chuẩn mực pháp lý và tuân thủ theo chuẩn mực này. Tuy nhiên, đây là quá trình mất nhiều thời gian vì liên quan đến luật pháp và quy định của từng nước. Trước mắt, Ban Thư ký ASEAN sẽ rà soát các thủ tục, các thỏa thuận về hải quan đã ký để đánh giá mức độ thực thi; từ đó có các giải pháp thích hợp nhằm tạo cơ chế mở cửa trong các quốc gia thành viên và trong toàn ASEAN.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đoàn Duy Khương cho biết với tư cách đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI đã phối hợp chặt chẽ với Phòng thương mại và công nghiệp ASEAN, Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN để xây dựng “hành lang xanh” (ASEAN green land) tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ... của các doanh nghiệp trong ASEAN đi lại nhanh chóng.

Thông qua dự án “hành lang xanh” với việc áp dụng công nghệ thông tin vào khai hải quan điện tử, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí nhờ giảm thời gian thông quan tại các cửa khẩu.

Theo ông Khương, với sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa 6 nước ASEAN cũ và 4 nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), trước mắt, “hành lang xanh” chưa thể giúp doanh nghiệp các nước CLVM hưởng lợi trực tiếp. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai mô hình “hành lang xanh,” các nước CLMV có thể học hỏi kinh nghiệm để đến khi đạt đủ điều kiện cần thiết có thể áp dụng ngay mô hình này vào thực tiễn.

Phía VCCI sẽ tập hợp và làm cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành logistics, các ngành phụ trợ, các hiệp hội chuyên ngành vận tải tham gia trực tiếp vào các dự án nâng cao năng lực quản lý logistics của ASEAN với các đối tác giàu kinh nghiệm như JETRO, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA)...

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực từ phía cộng đồng doanh nghiệp, việc tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế FDI, nhà nước, tư nhân thông qua các chính sách hỗ trợ về vốn và đất đai hạ tầng sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp ngành dịch vụ logistics của Việt Nam hội nhập thành công trong trong ASEAN.

Theo ước tính của Viện Logistics châu Á-Thái Bình Dương, trị giá của dịch vụ logistics toàn cầu đạt trên 1.200 tỷ USD/năm, chiếm tới 16% tổng GDP toàn cầu. Trong đó, nếu giảm 10% chi phí vận chuyển có thể làm tăng 20% lưu lượng thương mại hay giảm một nửa chi phí vận chuyển có thẻ làm tăng 0,5% tổng GDP với mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển dịch vụ logistics còn rất lớn bởi kim ngạch xuất khẩu được dự báo sẽ đạt ngưỡng 200 tỷ USD trong 10 năm tới./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục