Tiếp tục nghiên cứu đề xuất mở "đường bay vàng"

Hiệu quả kinh tế của đường bay Hà Nội-TP. HCM kinh tuyến 106 độ Đông tiếp tục nghiên cứu do chưa khẳng định có hiệu quả hay không.
Ngày 6/12, sau 10 giờ tranh luận gay gắt về hiệu quả kinh tế của "đường bay vàng" tại Hội thảo “Hiệu quả kinh tế của đường bay thẳng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh theo kinh tuyến 106 độ Đông”, các bên liên quan vẫn chưa thống nhất và khẳng định được đề xuất mở đường bay này có hiệu quả hay không.

Theo ông Mai Trọng Tuấn, tác giả của đề xuất “mở đường bay thẳng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh theo kinh tuyến 106 độ Đông”, đường bay này sẽ rút ngắn hành trình bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh xuống 142km so với đường bay hiện tại, tương đương sẽ giảm được 12 phút bay. Do đó, đường bay thẳng này sẽ giúp tiết kiệm gần 1.500 lít nhiên liệu, tương đương chi phí mỗi chuyến bay giảm 30 triệu đồng. Như vậy, với tần suất bay như hiện nay, mỗi năm các hãng hàng không tiết kiệm được 550 tỷ đồng.

Ngoài ra, nếu quãng đường bay rút ngắn được 142km tương đương 11% cự ly, đương nhiên các hãng hàng không phải giảm giá vé. Khi đó, hành khách chỉ phải trả 1,53 triệu đồng/người, thay vì mức trần là 1,7 triệu đồng như hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Võ, Trưởng Ban Quản lý hoạt động bay (Cục Hàng không Việt Nam), đề án này "quá sơ sài về mặt chuyên môn, một số thông tin lạc hậu về khai thác và kỹ thuật".

Ông Võ khẳng định: "Không thể có đường bay thẳng giữa hai sân bay, từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh mà lại theo kinh tuyến 106 độ Đông vì kinh tuyến này cách sân bay Tân Sơn Nhất 72km về phía Đông và cách Nội Bài 23km về phía Tây, tức là cách hàng trăm kilômét".

Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam đã nghiên cứu và đưa ra 2 phương án gần nhất so với đề xuất của ông Tuấn là đường hàng không thẳng Nội Bài-Tân Sơn Nhất và đường hàng không theo kinh tuyến 106 độ Đông.

Tuy nhiên, theo cả hai phương án này, các hãng hàng không vẫn cần phải bay vòng thêm một đoạn nữa, từ 40-60km/chuyến, mới cất hạ cánh được nên cự ly của đường bay theo hai phương án trên ít nhất cũng phải là 1.240km. Do đó, không thể có đường bay thằng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh dài 1000km như đề xuất của ông Tuấn. Đó là chưa kể, xét về yếu tố kỹ thuật công nghệ, đường bay mới khó có thể triển khai. Khi đó, sẽ phải xây thêm 2-3 đài dẫn đường mặt đất mới, trong khi hệ thống thiết bị dẫn đường trên không cũng chưa đủ điều kiện đáp ứng.

Còn theo ông Trần Văn Kiếm, đại diện cho Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), sau khi tính toán việc bay vòng lại, cất hạ cánh do phụ thuộc vào phương thức từng sân bay, với nhiều địa hình phức tạp, cả hai phương án về đường bay mới trên cũng chỉ tiết kiệm được 2 phút rưỡi. Trong khi đó, chi phí lại tăng thêm trung bình khoảng 460 USD/chuyến do phải trả phí khi bay qua vùng trời của Lào và Campuchia.

Tuy nhiên, theo ông Mai Trọng Tuấn, nếu bay theo đề xuất của ông, thời gian bay sẽ rút ngắn không thể là 2 phút rưỡi mà phải trên 10 phút.

Tại hội thảo, đại diện Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đều cho rằng việc việc rút ngắn đường bay là hết sức cần thiết và luôn được quan tâm. Tuy nhiên, việc xây dựng đường bay phải được xem xét tổng thể bao gồm an ninh, quốc phòng, kinh tế…

Kết luận hội thảo, đại diện Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - đơn vị tổ chức Hội thảo vẫn chưa đồng tình với mức thời gian tiết kiệm được chỉ 2 phút rưỡi như đại diện Vietnam Airlines tính toán và yêu cầu phía Vietnam Airlines cần phải làm rõ hơn. Hội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam tổ chức cuộc gặp khác để thẩm định và giải thích với các nhà khoa học phương án mà Vietnam Airlines đưa ra.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã đồng ý với đề xuất này và mời ông Mai Trọng Tuấn tham gia tổ công tác nghiên cứu và xem xét lại việc tính toán các thông số kỹ thuật về hiệu quả "đường bay vàng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục