“Gia đình Việt Nam đứng trước nhiều thách thức”

Guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại đã tạo ra không ít những nguy cơ và thách thức cho sự bền vững của các gia đình ở Việt Nam.
Guồng quay hối hả của cuộc sống đã tạo ra không ít những nguy cơ và thách thức cho sự bền vững của gia đình Việt Nam hiện đại. “Tổ ấm gia đình” liệu có bị chao đảo và sẽ đi về đâu? Trước câu hỏi đó, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Gia đình và giới, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam mong tìm ra lời giải đáp.

Vấn nạn trong gia đình hiện đại

- Thưa phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh, với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu về gia đình, xin ông cho biết vai trò của gia đình Việt Nam hiện nay đối với sự phát triển của xã hội như thế nào?

Phó  giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh: Ngay trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước đã khẳng định rõ, gia đình là một tế bào của xã hội. Nó còn được gọi với cái tên thân thương là “tổ ấm gia đình.”

Gia đình là môi trường để nuôi dưỡng và hình thành nhân cách cá nhân, cũng là nơi để thể hiện tình yêu thương, sự hy sinh của các cá nhân với nhau cho sự phát triển của mỗi người. Gia đình lành mạnh sẽ giúp cho xã hội phát triển tốt hơn.

- Chúng ta đang sống trong "thời đại công nghiệp" việc này đặt ra những thách thức gì  cho “tổ ấm,” thưa ông?

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh: Hiện nay, các gia đình ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, bạo lực gia đình còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Tuy Việt Nam may mắn là một nước sớm có Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhưng việc triển khai thực hiện luật cũng chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu, bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại ở không ít gia đình.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc người già cũng là vấn đề nan giải khi Việt Nam đang trong quá trình già hóa về dân số. Nếu như trước kia, cha mẹ già thường được sống chung với con cháu và được con cháu chăm sóc thì hiện nay, ngay ở các làng quê, những người con cũng thường đi làm xa và không có điều kiện chăm sóc cha mẹ.

Nhiều gia đình thuê người giúp việc để chăm sóc cha mẹ già. Tuy nhiên, người giúp việc có thể chăm sóc người già về sức khỏe, đỡ đần họ trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng lại không thể thay thế được những người con trong việc chăm sóc về mặt tình cảm.

Ngoài ra, trước guồng quay của cuộc sống, có một bộ phận những bậc cha mẹ không dành được thời gian để chăm sóc, chuyện trò, giáo dục… con mình. Do đó, có nhiều đứa trẻ chán nản, lánh xa gia đình của mình, tụ tập với đám bạn xấu gây nên những hành vi không tốt đối với xã hội.

Một vấn đề khác là tình trạng ly hôn ngày càng nhiều hơn ở nước ta. Mặc dù việc ly hôn ở một mặt nào đó được xem là cần thiết với một số cá nhân bởi nó giải phóng cho con người ra khỏi sự ràng buộc khi mà cuộc sống hôn nhân không đạt được những yêu cầu của nó.

Tuy nhiên, việc ly hôn lại ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều thành viên khác, nhất là con trẻ. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ em sống trong gia đình có bố mẹ ly hôn thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển nhân cách hơn những đứa trẻ có cả cha và mẹ.

Cần trang bị kỹ năng

- Đề cập đến vấn đề ly hôn, một số nghiên cứu đã cho thấy, tình trạng ly hôn của những người trẻ tuổi chiếm một tỷ lệ lớn. Theo ông, nguyên nhân do đâu và cần phải có giải pháp gì cho thực trạng này?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh: Đúng là ly hôn thường xảy ra nhiều hơn ở những cặp vợ chồng trẻ tuổi. Lý do là bởi nhiều bạn trẻ khi bước chân vào hôn nhân đã không chuẩn bị đầy đủ để thích ứng với cuộc sống đòi hỏi phải tính đến lợi ích của người bạn đời.

Việc quá đề cao “cái tôi” cá nhân và thiếu kỹ năng điều chỉnh những thói quen, hành vi của bản thân để có thể hòa hợp với bạn đời có thể biến những khác biệt trong thói quen, hành vi trở thành những điểm mâu thuẫn và xung đột. Đó là những mầm mống đầu tiên làm xói mòn mối quan hệ vợ chồng và có thể dẫn tới ly hôn.

Do vậy nên có sự giáo dục tiền hôn nhân để hướng dẫn cho các cặp vợ chồng trẻ những kỹ năng trong quan hệ vợ chồng cũng như kỹ năng ứng xử với các thành viên khác của gia đình hai bên.

-Về ứng xử của các thành viên, trong xã hội hiện đại, người phụ nữ không hẳn chỉ là “nội tướng” của gia đình mà họ còn hướng ngoại với các công tác xã hội. Điều này phải chăng sẽ dẫn đến sự thay đổi trật tự trong gia đình, thưa ông?

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh: Đúng là người phụ nữ thời đại này không chỉ đóng mình trong những góc bếp mà nhiều người trong số họ còn bước ra đảm nhiệm những trọng trách của xã hội. Cũng vì vậy, trong mối quan hệ vợ chồng ngày nay có sự bình đẳng và dân chủ hơn so với trước kia.

Trước những chuyển biến của thời đại, đòi hỏi những người chồng phải có sự sẻ chia với người vợ bằng cách họ tham gia vào các công việc gia đình trong những lúc có thể.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, sự chuyển biến nhận thức của nhiều người chồng về vấn đề này còn chậm chạp. Vì vậy, những thay đổi về vai trò của người phụ nữ có thể dẫn tới những hệ quả không mong muốn trong mối quan hệ vợ chồng ở một số gia đình. Trong điều kiện đó, sự trao đổi chân thành, sự đồng cảm giữa người chồng và người vợ là hết sức cần thiết để giúp người phụ nữ cân đối được công việc gia đình và xã hội, cùng nhau góp phần giữ được gia đình thực sự là “tổ ấm.”

Nên dính kết các thành viên

- Như vậy, gia đình trong thời đại này có những ưu điểm vượt trội so với trước đây?

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh: Đúng là nó có những ưu điểm như bạn đã nói nhưng cũng phải thẳng thắn mà nhìn mặt hạn chế của nó. Như tôi đã nói, có nhiều người cũng vì mải cuốn theo guồng quay của công việc mà thiếu thời gian chăm sóc gia đình, thậm chí, đến bữa cơm chung của họ với gia đình cũng hiếm. Trong khi đó, bữa cơm gia đình lại chính là yếu tố quan trọng để kết dính các thành viên… Đấy là yếu thế của gia đình ngày nay.

- Vậy ông nhận định gì về xu hướng gia đình Việt Nam trong tương lai?

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh: Theo tôi, xu hướng sự phát triển của gia đình Việt Nam trong những năm tiếp theo vẫn tiếp tục khẳng định tính chất dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên. Nếu chúng ta khắc phục được những khó khăn trong sự liên kết các thành viên gia đình thì xã hội sẽ có những gia đình hoàn hảo.

Ngược lại, nếu sự kết dính giữa các thành viên không được thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện cho các mô hình khuyết thiếu phát triển. Hay, bạo lực gia đình, những gia đình mà ở đó đứa trẻ lớn lên trở thành ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi, hưởng thụ, mà không biết đến sự hy sinh, tinh thần trách nhiệm và lòng vị tha đối với những người xung quanh, kể cả những người đã hạ sinh ra mình…

Tôi khẳng định lại là xã hội hiện đại sẽ mang đến nhiều thách thức hơn cho gia đình. Bởi vậy, để gia đình được là “tổ ấm” bền vững không bị đổ vỡ trước giông bão luôn cần sự cố gắng vun đắp của các thành viên.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục