Tranh "rác tường" ra mắt công chúng tại Hà Nội

Hơn 100 bức tranh về “khoan cắt bêtông” và số điện thoại đi kèm đã ra mắt công chúng yêu nghệ thuật trong triển lãm "Hà Nội 999."
Tối 21/ 3, tại Module 7 (83 Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội) hơn 100 bức tranh về “khoan cắt bêtông” và số điện thoại đi kèm đã ra mắt công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô trong triển lãm "Hà Nội 999".

Triển lãm cho thấy một phần quan trọng trong lịch sử của Hà Nội được thể hiện trên các bức tường của thành phố, chứa đựng chuyển động, sự hòa trộn của các yếu tố và tình yêu của thời gian, khó có thể kiểm soát nổi trước tốc độ phát triển đến chóng mặt của Hà Nội.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Lolo Zazar - tác giả của những “bức tranh rác tường Hà Nội”.

- Ý tưởng mở triển lãm về hình ảnh các số điện thoại khoan cắt bêtông được ông nung nấu từ bao giờ?

Lolo Zazar: Ý tưởng có từ cách đây 15 năm, khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên. Khi tôi đi qua những con phố, ngõ ngách của phố phường Hà Nội, nhìn lên những bức tường, cột điện thấy rất nhiều những “con số lạ” với đủ màu sắc khác nhau. Tôi hỏi thăm thì được biết đó là những số điện thoại của những người làm nghề “đập phá bêtông” [ý của Lolo Zazar là “khoan cắt bêtông” - PV].

Cách đây 3 năm, tôi bắt đầu đi lang thang khắp phố phường Hà Nội, chụp lại những bức tường bị in số điện thoại khoan cắt bê tông. Năm ngoái tôi design [thiết kế] những bức ảnh này dự định in thành sách với tựa Hà Nội 365 ngày.

- Hẳn ông đã rất ấn tượng với những bức tường “khoan cắt bêtông”?

Lolo Zazar: Đúng vậy! Với ai tôi không biết nhưng với cá nhân tôi những bức tường in số khoan cắt bêtông là những bức tranh rất... lạ lùng. Nó không chỉ được “sáng tác” bởi con người mà còn được sáng tác bởi thiên nhiên.

Ví dụ, những người phun lên tường những số điện thoại khác nhau, màu sắc khác nhau ban đầu chưa đẹp. Nhưng sau một thời gian “dầm mưa, dãi nắng,” xung quanh con số ấy xuất hiện thêm những “bề mặt” đường nét đầy tính nghệ thuật. Những người bạn Pháp của tôi ở Việt Nam hay ở Pháp khi trực tiếp xem những bức tường khoan cắt bêtông hay xem qua ảnh hầu như ai cũng rất thích thú. Thậm chí có người đã design những số điện thoại khoan cắt bêtông lên áo, lên xe của mình...

- Tại sao ông lại đặt tên cho triển lãm về “rác tường” là "Hà Nội 999"?

Lolo Zazar: Đầu tiên tên triển lãm tôi định đặt là "Màu thời gian," nhưng sau khi tôi nghe bạn bè nói cho tôi biết những con số này rồi đây sẽ bị xóa đi. Vì thế, tôi muốn mọi người như là lần cuối cùng, cùng tôi nhìn lại những tác phẩm - những bức tường in số khoan cắt bêtông như là một “đặc trưng” khi tham quan Hà Nội.

Thú thật là tôi thấy hơi... “nhơ nhớ” nếu như không được trông thấy những con số “nhảy múa” trên tường nữa (cười). Dù sao những bức tranh khoan cắt bêtông là rất Hà Nội, thuộc về đời sống Hà Nội. Tất nhiên tôi cũng hiểu là việc cho sơn lại những bức tường đã bị “số hóa” là một việc làm đúng!

- Đúng thế, việc in số điện thoại khoan cắt bêtông lên tường được cho là thiếu văn hóa, không có ý thức...

Lolo Zazar: Tôi cũng là người hay có những hành vi như thế cùng bạn bè khi còn ở Pháp (cười) nhưng chúng tôi chỉ hành động không đúng chỗ, không được đẹp nên bị phê phán...

- Ấn tượng của ông về đời sống mỹ thuật Việt Nam?

Lolo Zazar: Tôi thấy đời sống mỹ thuật Việt Nam đương đại ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tôi quen biết rất nhiều họa sĩ Việt Nam và cùng làm việc với họ. Tôi thấy, có rất nhiều người tài năng và trong tương lai, đời sống mỹ thuật của đất nước các bạn sẽ còn phát triển rực rỡ nhờ vào những lớp họa sĩ và những thể nghiệm, sáng tạo mới của họ.

- Dự định sắp tới của ông?

Lolo Zazar: Tôi vốn sở trường làm điêu khắc nhưng cách đây hai năm, tôi đã học sơn mài Việt Nam. Sau triển lãm này, tôi sẽ bắt tay vào chuẩn bị một triển lãm mới, rất khác lạ bằng sự kết hợp giữa điêu khắc với sơn mài... /.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục