Giá dầu đảo chiều giảm nhẹ trên thị trường châu Á

Sáng 5/1 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 2/2012 giảm nhẹ 24 xu xuống còn 102,98 USD/thùng.
Sau khi leo lên đến gần đỉnh cao nhất trong 8 tháng qua trong phiên giao dịch hôm trước (4/1) trên các thị trường Âu, Mỹ, giá dầu đã quay đầu thoái lui trên thị trường châu Á trong phiên giao dịch ngày 5/1, song vẫn đứng ở mức cao do các nhà đầu tư còn lo ngại xung quanh những căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các nước phương Tây.

Vào sáng 5/1 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ, hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 2/2012 giảm nhẹ 24 xu so với lúc đóng cửa phiên hôm trước trên thị trường New York, xuống 102,98 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng quay đầu giảm 75 xu xuống 112,95 USD/thùng.

Sang đến phiên chiều cùng ngày, mức giảm đã có phần dịu bớt, song giá hai hợp đồng dầu trên vẫn mất lần lượt là 10 xu và 25 xu xuống các mức tương ứng là 103,12 USD/thùng và 113,45 USD/thùng.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 4/1 trên các thị trường châu Âu và Mỹ, giá dầu đã có lúc tăng vọt lên gần mức cao nhất 8 tháng qua do các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng leo thang giữa Iran, nhà sản xuất dầu mỏ lớn của vùng Vịnh với Mỹ và các nước phương Tây. Ngoài ra, thị trường dầu mỏ còn được hậu thuẫn mạnh mẽ từ những số liệu kinh tế tích cực mới nhất tại các cường quốc kinh tế thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Đức, qua đó cho thấy triển vọng khá lạc quan của kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu về năng lượng

Đóng cửa phiên 4/1 tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2/2012 tăng 69 xu lên 112,82 USD/thùng, sau khi đã có lúc vọt lên 113,97 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 14/11/2011. Còn tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao cùng kỳ lại giảm nhẹ 35 xu so với lúc đóng cửa phiên 4/1, xuống 102,61 USD/thùng, sau khi trước đó đã có lúc trong phiên chạm mức 103,74 USD/thùng - mức cao nhất của hợp đồng này kể từ ngày 11/5/2011.

Giá dầu bắt đầu đi lên từ phiên 3/1, nhờ các số liệu kinh tế tích cực tại Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cũng như những lo ngại quanh những căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ, phương Tây và Iran. Trong phiên này, giá hợp đồng dầu thô WTI tăng vọt 4,13 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 4,75 USD/thùng.

Theo các nhà phân tích, một thỏa thuận về cơ bản giữa các chính phủ châu Âu về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Iran có thể sẽ khiến giá dầu nhiều khả năng còn tăng hơn nữa trong thời gian tới.

Trong một báo cáo bình luận về thị trường, hãng Phillip Futures nói: "lệnh cấm nhập khẩu này của phương Tây sẽ buộc Teheran phải tìm các khách hàng khác mua dầu mỏ của họ. EU là thị trường lớn thứ hai của dầu mỏ Iran, sau Trung Quốc. Các quốc gia EU mua khoảng 450.000 thùng dầu/ngày trong tổng số 2,6 triệu thùng/ngày xuất khẩu của Iran.

Các nhà đầu tư hiện đang quan tâm sát sao đến tình hình tại eo biển Hormuz - con đường vận chuyển huyết mạch chiếm khoảng 20% lượng dầu thô chuyên chở của toàn thế giới, do Iran đã lên tiếng yêu cầu Mỹ rút lực lượng hải quân của Mỹ ra khỏi vùng Vịnh này.

Cũng theo Phillip Futures, thị trường dầu mỏ trong phiên này cũng còn chờ kết quả phiên đấu giá trái phiếu chính phủ Pháp trị giá tới 8 tỷ euro, công bố vào cuối ngày, để đánh giá về tình hình cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực Eurozone./.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục