Rừng thông Bảo Lâm Lâm Đồng đang bị "thảm sát"

Hàng nghìn cây thông thuộc Tiểu khu 613 của huyện Bảo Lâm giáp ranh huyện Di Linh (Lâm Đồng) đang bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng.
Rừng thông thuộc Tiểu khu 613 của huyện Bảo Lâm giáp ranh huyện Di Linh (Lâm Đồng) đang bị tàn phá nghiêm trọng. Hàng nghìn cây thông có tuổi gần một thế kỷ bị chặt phá, đốt và đánh thuốc chết dần, thay thế vào đó là cây càphê.

Người dẫn đường cho chúng tôi lên đây cho biết: “Lâm tặc dùng cưa máy hạ cây rất nhanh và lái cả xe kéo có động cơ mạnh lên tận rừng kéo gỗ xuống vùng sình để cưa tại chỗ."

Điều đáng nói là từ Tiểu khu 613 chỉ có một con đường duy nhất đi về xã Tân Lâm, qua xã Tân Thượng, Tân Châu rồi về thị trấn huyện Di Linh, nhưng không hiểu sao hàng trăm mét khối gỗ thông bị lâm tặc tuồn theo đường này vẫn không gặp phải một sự phản ứng nào từ phía cơ quan chức năng?

Ngay bên cạnh vùng rừng đã bị thảm sát, chỉ cách khoảng ba trăm mét là Trạm quản lý bảo vệ thuộc Ban Quản lý rừng Bảo Lâm.

Khi chúng tôi vào trạm, ông Hoàng Văn Cư, một trong hai cán bộ trực bảo vệ ở đây vẫn thư thái ngồi trò chuyện, trong khi phía thung lũng có hàng chục người cuốc đất, lấn rừng trồng sắn ngay trên cánh rừng thông vừa bị chặt hạ.

Ông Cư cho biết Tiểu khu 613 là rừng thông do người Pháp trồng từ đầu thế kỷ XX, rộng hơn 1.000ha. Sau khi tỉnh Lâm Đồng có chủ trương giao cho người dân và các doanh nghiệp nhận dự án khoanh nuôi bảo vệ, chỉ còn lại khoảng 300ha thuộc các khoảnh 2, 6, 7 và 8. Có tối thiểu khoảng 20ha của phần còn lại này đã bị chặt hạ theo kiểu “làm cỏ” sạch bóng cây xanh.

Trả lời về lý do rừng bị tàn phá, ông Cư thanh minh: “Lâm tặc đông và hung dữ lắm. Mỗi lần chúng vào rừng thường đi thành đoàn đông nên chúng tôi không làm gì được."

Qua thông tin của người dân và kiểm lâm viên, chúng tôi được biết trong số người vào đây phá rừng, xẻ gỗ có đối tượng Nguyễn Trường Thịnh (thường gọi là Thịnh “than” vì chuyên phá rừng đốt than) có hộ khẩu tại thôn 6 xã Tân Lâm, huyện Di Linh. Bây giờ anh ta không đốt than nữa mà chủ yếu phá rừng lấy gỗ và lấn đất rừng trồng càphê. Cùng với Nguyễn Trường Thịnh, trong vùng rừng đã bị phá trắng hiện có hơn 10 căn nhà do người dân lấn chiếm trái phép đất rừng làm rẫy đã được dựng lên, có nhiều ngôi nhà đã xây bán kiên cố.

Ông Phạm Minh Chiến, Chủ tịch xã Tân Lâm thừa nhận: “Tất cả những hộ đó đều là người dân xã Tân Lâm. Cảnh sát kinh tế, kiểm lâm huyện Bảo Lâm cũng đã nhiều lần khảo sát, thống kê nhưng vẫn không giải tỏa, chấm dứt được nạn phá, lấn rừng.”

Cách Trạm quản lý bảo vệ thuộc Ban Quản lý rừng Bảo Lâm vài chục mét có hàng trăm cây thông đã bắt đầu héo ngọn. Bởi dưới gốc những cây thông này là hàng chục lỗ khoan sâu vào ruột cây (lâm tặc gọi thuật ngữ này là “ken cây”).

Ông Cư giải thích: “Chúng ken xong, đổ axít hoặc thuốc bảo vệ thực vật để diệt cây trước khi cưa hạ. Chúng tôi biết nhưng không làm gì được.”

Cũng theo ông Cư, vùng rừng này đã từng bị phá từ hồi còn thuộc đất huyện Di Linh quản lý hơn 10 năm trước, song thực tế là những cây thông bị chặt hạ, đốt phá, cưa xẻ đều rất mới./.

Sơn Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục