Hệ thống pin mặt trời nối lưới đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 19/11, Hệ thống pin mặt trời nối lưới đầu tiên tại Việt Nam, trị giá 1 triệu euro do Chính phủ Đức tài trợ đã được hoàn thành.
Ngày 19/11, tại Hà Nội, Thủ hiến bang Baden-Wurrtemberg, ông Stefan Mappus và Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đã chính thức cắt băng khánh thành Hệ thống pin mặt trời nối lưới đầu tiên tại Việt Nam, trị giá 1 triệu euro do Chính phủ Đức tài trợ cho tòa nhà trụ sở Bộ Công Thương.

Dự án năng lượng mặt trời nối lưới này có tổng diện tích các tấm pin mặt trời là 100m2 , bao gồm 52 module loại solarworld SW 230 chia thành 4 dãy. Góc nghiêng của tấm pin được tính toán mô phỏng nhờ các phần mềm máy tính để đạt được giá trị tối ưu giúp cho tấm pin tạo ra nhiều điện năng nhất.

Với công suất đỉnh đạt 12 kW, hệ thống pin năng lượng mặt trời nối lưới này có thể sản xuất được sản lượng điện đạt 18 nghìn kWh/năm, giúp Bộ Công Thương tiết kiệm chi phí tiền điện khoảng 12 triệu đồng/năm.

Theo ông Stefan Mappus, hệ thống pin năng lượng mặt trời nối lưới trên nóc tòa nhà trụ sở Bộ Công Thương do Công ty Altus AG thực hiện là dự án được thực hiện trong khuôn khổ chương trình phát triển pin mặt trời nối lưới tại nước ngoài do Hãng Năng lượng Đức DENA phát động vào năm 2004 và được Bộ Kinh tế và Công nghệ Cộng hòa liên bang Đức lựa chọn hỗ trợ như một sáng kiến phổ biến năng lượng tái tạo quốc tế.

Tính đến thời điểm này, trên 30 dự án tương tự đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ông Stefan Mappus khẳng định, với vị trí địa lý thuận lợi và dải bờ biển chạy dọc từ Bắc vào Nam , Việt Nam nên đặt trọng tâm phát triển vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Với lợi thế về công nghệ kỹ thuật, nguồn nhân lực và tài chính, các doanh nghiệp Đức như Altus AG sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển nguồn năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, việc lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời nối lưới đầu tiên tại trụ sở Bộ Công Thương-cơ quan quản lý nhà nước về tiết kiệm năng lượng sẽ là một điển hình tốt trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Từ mô hình trình diễn đầu tiên này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng tham gia để nhân rộng ra các cơ quan Chính phủ khác.

Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận, việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang gặp nhiều rào cản do chi phí đầu tư ban đầu rất lớn và giá thành sản xuất năng lượng điện tái tạo cao hơn nhiều so với các dạng năng lựơng khác. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng về năng lượng tái tạo còn hạn chế.

Ông Quang cũng khẳng định, cùng với cơ chế khuyến khích đầu tư của nhà nước nhất là trong lĩnh vực giá điện, việc kêu gọi các thành phần doanh nghiệp tham gia theo hình thức hợp tác công tư (PPP) sẽ giúp Việt Nam có điều kiện phát triển năng lượng tái tạo./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục