Việt Nam dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 36

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu đã tham dự cuộc họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 36.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) của Việt Nam, dẫn đầu đã tham dự cuộc họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 36.

Cuộc họp diễn ra tại trụ sở UNESCO tại Paris (Pháp) với chủ đề "Làm thế nào để UNESCO đóng góp xây dựng một nền văn hóa hòa bình và phát triển bền vững?" Tham gia cuộc họp có đại diện 193 nước thành viên và một số nước quan sát viên.

Đây là cuộc họp đầu tiên của Đại hội đồng UNESCO sau khi bà Irina Bokova được bầu là Tổng Giám đốc mới nhiệm kỳ 4 năm. Cuộc họp tập trung thảo luận và quyết định về những cải cách quan trọng và toàn diện của UNESCO.

Phát biểu nhân sự kiện này, Đại sứ Việt Nam bên cạnh UNESCO Dương Văn Quảng nêu bật ý nghĩa kỳ họp Đại hội đồng UNESCO. So với các kỳ họp Đại hội đồng UNESCO trước đây, Đại hội đồng lần thứ 36 này có nhiều điểm mới, thời gian họp ngắn hơn, đi vào thực chất hơn và quan trọng là sẽ tạo bước đột phá trong bối cảnh UNESCO đang tiến hành đổi mới toàn diện.

Đây cũng được coi là một "dấu ấn mới" trong phương pháp điều hành của Tổng Giám đốc Bôcôva. Đặc biệt, trong khuôn khổ cuộc họp Đại hội đồng, diễn đàn các nhà lãnh đạo được tổ chức trong hai ngày 26 và 27/10, để lãnh đạo các nước có thêm thời gian phát biểu.

Các đại biểu tham dự nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ, được coi là giữ vai trò chi phối tương lai nhân loại. Do đó, trước khi diễn ra lễ khai mạc Đại hội đồng, diễn đàn thanh niên UNESCO cũng đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện Việt Nam là Vũ Huyền Ly, một cán bộ trẻ của Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến Phiên họp toàn thể Công ước về di sản 1972, diễn ra hai năm một lần, nơi sẽ bầu thành viên Ủy ban liên chính phủ về Di sản - một hoạt động rất quan trọng. Đại sứ nhấn mạnh với việc Việt Nam có nhiều di sản được công nhận, Việt Nam sẽ nỗ lực để được bầu vào Ủy ban liên chính phủ.

Sáng cùng ngày, bên lề Đại hội đồng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã có cuộc tiếp xúc song phương đầu tiên với bà Latifa Akharbach, Quốc vụ khanh ngoại giao phụ trách vấn đề liên minh các nghị viện Marocco, đồng chủ tịch Ủy ban hỗn hợp hợp tác Marocco-Việt Nam.

Tại cuộc gặp, bà Latifa Akharbach bày tỏ sự ngưỡng mộ của nhân dân Marocco đối với những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và phát triển đất nước. Bà cũng đánh giá cao vai trò vị thế của Việt Nam và bày tỏ mong muốn hai nước sẽ có sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn trên các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực.

Theo bà Latifa Akharbach, Việt Nam có tiếng nói quan trọng trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Trong UNESCO, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, luôn tôn trọng và thúc đẩy các giá trị chung của UNESCO, vì sự phát triển, cuộc sống của người dân.

Bà bày tỏ mong muốn hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau không chỉ trên các diễn đàn đa phương quốc tế, mà cả trong khuôn khổ Đại hội đồng UNESCO, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ giữa Marocco, quốc gia có vai trò quan trọng tại châu Phi, với các nước khác trong khu vực.

Về phần mình, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam và Marocco dù cách xa nhau về địa lý nhưng cùng chung nguyện vọng hòa bình, phát triển bền vững. Thứ trưởng đánh giá cao sự phát triển quan hệ hai nước thời gian qua và bày tỏ quyết tâm thúc đẩy quan hệ này trong thời gian tới. Ông cho rằng hợp tác kinh tế hai nước còn chưa tương xứng với quan hệ chính trị, cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ trưởng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn sớm ký Hiệp định hợp tác vận tải biển, hợp tác bảo hộ đầu tư, hợp tác dầu khí với Marocco, hướng tới mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 100 triệu USD vào năm 2012-2015. Hai bên cũng đang đẩy mạnh thành lập Hội đồng thương mại Việt Nam - Marocco.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nêu rõ với vị thế vững vàng và là một trong những thành viên trụ cột trong ASEAN, Việt Nam có thể tạo cầu nối giúp Marocco phát triển quan hệ hợp tác với các nước thành viên khác của ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục