Phép cộng giữa "hàng không và du lịch"

Viva Macau, hãng hàng không giá rẻ quốc tế mới nhất tại châu Á vừa công bố sẽ khai thác đường bay mới tới Hà Nội từ ngày 13/02/2010.
Thị trường hàng không Việt Nam đang trở nên sôi động với sự xuất hiện và tăng tần suất bay của các hãng hàng không quốc tế vào Việt Nam. Điều đáng nói chính là cách thức tham gia thị trường của các hãng hàng không ngoại.

Viva Macau, hãng hàng không giá rẻ quốc tế mới nhất tại châu Á vừa công bố sẽ khai thác đường bay mới tới Hà Nội từ ngày 13/02/2010. Việc nhằm đúng dịp Tết Nguyên đán để “lấn sâu” vào thị trường Việt Nam cho thấy, Viva Macau không hề lạc quan quá khi kỳ vọng “sẽ có một năm bội thu tại Việt Nam”.

Từ câu chuyện của Viva Macau

Còn nhớ, năm 2007, Viva Macau lần đầu tiên khai thác đường bay đến Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 4 chuyến/tuần. Nhưng đến nay, không chỉ nâng tần suất khai thác lên 7 chuyến/tuần ở đường bay này, hãng còn mở thêm đường bay đến Hà Nội với lịch bay 3 chuyến/tuần.

Để tạo dấu ấn, hãng đã không quên đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn từ giá vé đến hình thức đặt mua vé thuận tiện…

Ông Reg Macdonald, Tổng giám đốc điều hành của Viva Macau cho biết: “Ngay khi bắt đầu bán vé vào tháng 12, chuyến bay khai trương đã bán hết chỗ chỉ trong vòng 2 tuần”.

Theo nhìn nhận của những người làm du lịch, Viva Macau có mấy “cái khôn”. Thứ nhất là việc lựa chọn “cửa ngõ” để lập đường bay. Với đường bay từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Viva Macau trở thành cầu nối giữa Macau và Việt Nam.

Khách hàng từ Việt Nam cũng có thể quá cảnh tại Macau để bay đến các điểm đến khác tại Nhật Bản, Ôxtrâylia và Indonesia cũng như có thêm một cửa ngõ nữa đi vào Hongkong và Trung Quốc đại lục.

Bản thân các thành phố này đang là những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch từ Việt Nam. Cái khôn thứ hai chính là việc lựa chọn thời điểm Tết Nguyên đán để khai trương đường bay mới.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Hanoi Red Tours, dịp Tết này, nhu cầu du lịch ra nước ngoài của người dân tăng cao.

Với tour đến Trung Quốc, nhu cầu tăng đến 150% do một lượng lớn Việt Kiều về quê ăn Tết và kết hợp du lịch.

Bên cạnh đó, những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế của năm 2009 cũng khiến cho phân khúc du lịch đường dài cao cấp đắt khách, nhất là những tour đến Úc, Nhật Bản, Ai Cập

Riêng đối với điểm đến Macau, ông Reg Macdonald nhìn nhận, du lịch ở đây đang tăng trưởng rất nhanh, với sự tăng trưởng đáng kể từ con số 800.000 phòng lưu trú của 3 năm trước thành 1,5 triệu phòng ở thời điểm hiện nay.

Một điểm khôn khéo đáng kể nữa, chính là cách thức tiến vào thị trường của Viva Macau. Hãng này đã chọn Công ty TransViet là tổng đại lý, đại diện cho hãng tại thị trường Việt Nam.

Bắt tay với một công ty có chuyên môn trong hoạt động du lịch giúp Viva Macau có thể tận dụng lợi thế phép cộng dồn giữa du lịch và hàng không, vừa phát triển mạng lưới bán vé, vừa thúc đẩy mảng kinh doanh du lịch.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc marketing của TransViet Travel Hà Nội, cho biết, bên cạnh việc tổ chức mạng lưới đại lý bán vé máy bay, Công ty và Viva Macau còn khai thác các tour đến Macau và từ đây đi các thành phố khác hay đến Hongkong… Doanh nhân là đối tượng khách hàng tiềm năng mà các tour này hướng đến.

Nhưng không chỉ khai thác khách từ Việt Nam đi Macau, đại diện của hãng hàng không và TransViet còn hé mở thông tin về những nỗ lực xúc tiến du lịch từ Macau đến Việt Nam.

Hiện nay, liên doanh này đã làm việc với Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam, để tìm kiếm sự hợp tác trong quảng bá du lịch đến Việt Nam.

Ông Reg Macdonald đánh giá cao những triển vọng có thể đạt được khi thiết lập được sự liên kết với hệ thống khách sạn, resort ở cả hai thị trường.

Đến góc nhìn khai thác du lịch

Năm 2010 được ví như cơ hội vàng cho ngành du lịch của Việt Nam với hàng loạt những sự kiện lớn được tổ chức mà tiêu điểm là Năm du lịch quốc gia hướng đến đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, lưu ý, các đơn vị kinh doanh du lịch nên coi năm nay như là thời điểm tạo sức bật, tạo đà phát triển cho doanh nghiệp và cho ngành. Nhưng cơ hội nằm ở chính việc các doanh nghiệp có đưa ra được những chính sách hợp lý để chớp thời cơ hay không.

Nếu một hãng hàng không khi muốn khai thác đường bay đến Việt Nam đã nhằm đến cơ hội “vàng” này để khai thác, thì các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể linh hoạt trong hợp tác liên doanh để phát triển các mảng dịch vụ du lịch.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cũng từng lưu ý, cần mở thêm các đường bay đến các thị trường du lịch trọng điểm và có tiềm năng của Việt Nam.

Vậy thì, bên cạnh việc mở đường bay, ngành du lịch có thể kết hợp quảng bá hình ảnh Việt Nam với các đối tác đang xây dựng đường bay đến Việt Nam. Đó là mối quan hệ win - win, xuất phát từ cả hai bên chứ không phải bên nào tìm đến bên nào như lời ông Reg Macdonald chia sẻ.

Hiện nay, nhiều hãng hàng không, đặc biệt là từ Trung Quốc, đã mở đường bay đến Việt Nam. Mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hàng không đang ngày một tăng.

Một lý do cho sự gia tăng này chính là sức hút từ điểm đến Việt Nam, nhưng cũng một phần do các hãng này đo lường được tiềm năng hút khách từ Việt Nam đi du lịch.

Vậy muốn tận dụng cơ hội để ngành du lịch phát triển, hãy bắt đầu từ những cái bắt tay./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục