IAEA nghi Iran giấu nhiều cơ sở hạt nhân bí mật

Sự công bố của Iran về cơ sở làm giàu urani mới làm dấy lên quan ngại về khả năng còn nhiều cơ sở hạt nhân bí mật khác ở nước này.
Sự công bố muộn màng của Iran về cơ sở làm giàu urani mới đang làm dấy lên quan ngại về khả năng vẫn còn nhiều cơ sở hạt nhân bí mật khác tại nước cộng hòa Hồi giáo này.

Đây là nội dung chính trong bản báo cáo công bố ngày 16/11 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Theo báo cáo, Iran thông báo với IAEA rằng Tehran đã khởi công xây dựng cơ sở hạt nhân Fordo trong lòng núi ở gần thành phố thiêng Qom, miền Trung Iran vào năm 2007, song IAEA lại có bằng chứng cho thấy việc xây dựng này được khởi động từ năm 2002.

Iran mới công bố về sự tồn tại của cơ sở này vào tháng 9 vừa qua và cho phép các thanh sát viên IAEA tiếp cận đầy đủ cơ sở này.

Báo cáo cho biết sau chuyến thanh sát đầu tiên cuối tháng 10 vừa qua, các thanh sát viên IAEA nhận thấy dù chưa có máy li tâm hay vật liệu hạt nhân, song cơ sở hạt nhân Fordo đang trong "giai đoạn hoàn thiện" và đã lắp đặt những thiết bị công nghệ cao. Tehran cũng thông báo với IAEA rằng cơ sở này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2011.

Báo cáo này, nhằm chuẩn bị cho cuộc họp của ban điều hành gồm 35 nước IAEA vào tuần tới tại Vienna của Áo, không nói rõ quy mô song cho biết cơ sở Fordo có thể chứa 3.000 máy li tâm.

IAEA đã nêu rõ trong báo cáo rằng: "Tuyên bố của Iran về cơ sở mới làm giảm niềm tin rằng không còn cơ sở hạt nhân nào khác đang được xây dựng, đồng thời khiến người ta hoài nghi về việc liệu có còn bất kỳ cơ sở hạt nhân nào khác mà Tehran chưa báo cáo với IAEA hay không".

Ngày 6/11, IAEA đã yêu cầu Iran thông báo rõ ràng về việc nước này có còn những cơ sở tương tự được quyết định xây dựng, đang hoặc đã xây dựng hay không. Tuy nhiên, một quan chức IAEA cho biết đến ngày 16/11, cơ quan này vẫn chưa có được câu trả lời rõ ràng về vấn đề này.

Ngoài vấn đề về nhà máy ở Qom, báo cáo của IAEA còn cho biết tính đến đầu tháng 11/2009, tại tổ hợp hạt nhân chính của Iran ở Natanz đã có hơn 8.600 máy li tâm được lắp đặt, song mới chỉ khoảng 4.000 máy đang làm giàu urani, ít hơn 600 máy so với hồi tháng 8/2009.

Phản ứng trước báo cáo của IAEA, Đại sứ Iran tại IAEA Ali Asghar Soltanieh tuyên bố Tehran sẽ tiếp tục làm giàu urani và cho rằng báo cáo "không có gì mới".

Ông Soltanieh nói: "Iran sẽ tiếp tục thực hiện quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình của mình, bao gồm cả hoạt động làm giàu." Ông cũng kêu gọi các quốc gia thành viên IAEA chấm dứt cách tiếp cận xưa cũ và tẻ nhạt vì báo cáo mới nhất này cũng chỉ gồm những điều được lặp đi lặp lại trước đó.

Tại Washington, Mỹ đã hối thúc Iran tuân thủ đầy đủ trách nhiệm quốc tế của mình và minh bạch hóa mục đích của cơ sở hạt nhân thứ hai ở Qom./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục