Ngân hàng Indonesia đối mặt thách thức hội nhập

Các ngân hàng Indonesia vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để cạnh tranh với các đối tác khác trong khu vực khi Cộng đồng ASEAN ra đời.
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) Halim Alamsyah cho rằng các ngân hàng nước này vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để cạnh tranh với các đối tác khác trong khu vực khi Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời vào năm 2015, do thiếu vốn và hiệu quả trong hoạt động của mình.

Phát biểu trong một cuộc họp báo mới đây, ông Alamsyah nhấn mạnh nếu ngành ngân hàng ASEAN hội nhập lúc này thì Indonesia sẽ chịu nhiều thiệt hại vì vốn ít và hiệu quả hoạt động thấp, tỷ lệ giữa chi phí và thu nhập (BOPO - thông số đánh giá hiệu quả hoạt động) ở mức trung bình 74,26%, trong đó có rất ít ngân hàng có BOPO dưới 70%.

Con số này cao hơn hẳn so với mức tương ứng 40-60% của ngân hàng các quốc gia ASEAN khác, nghĩa là sức cạnh tranh của các ngân hàng Indonesia cũng kém hơn.

Ông Alamsyah lưu ý rằng, trong khuôn khổ Kế hoạch chi tiết của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ngân hàng trung ương ở các nước ASEAN hiện đang thảo luận về một hệ thống hội nhập tài chính nhằm loại bỏ các rào cản ngân hàng ở các quốc gia thành viên.

Hệ thống này, dự kiến được thực hiện vào năm 2020, sẽ cho phép một số ngân hàng mở rộng hoạt động sang các nước thành viên khác một cách dễ dàng, nếu đáp ứng các yêu cầu về Các ngân hàng đạt chuẩn ASEAN (QAB) được quy định sau khi hội nhập.

Hồi tháng 11 năm ngoái, BI đã ban hành một gói quy định mới nhằm củng cố hệ thống ngân hàng trong nước, chuẩn bị cho hội nhập ngân hàng của ASEAN. Trong số này có chính sách cấp phép kép, theo đó BI chia các ngân hàng thành bốn nhóm dựa trên số vốn.

Các ngân hàng có vốn dao động trong khoảng từ 5.000-30.000 tỷ rupiah sẽ chỉ được phép cạnh tranh ở cấp khu vực; các ngân hàng có vốn từ 30.000 tỷ rupiah trở lên được phép cạnh tranh ở cả cấp độ khu vực và quốc tế.

Theo ông Halim Alamsyah, với quy định mới nói trên, có đủ vốn là yêu cầu bắt buộc đối với các ngân hàng để duy trì khả năng cạnh tranh, vì vậy tại Indonesia sẽ diễn ra một làn sóng hợp nhất ngân hàng.

Chia sẻ quan điểm này, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng nhà nước Negara Indonesia (BNI), Ryan Kiryanto cho rằng các ngân hàng Indonesia cần sẵn sàng cho một ASEAN hội nhập, nên các ngân hàng nhỏ hơn sẽ phải sáp nhập, thậm chí cả BNI./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục