Mỹ tiếp tục triển khai phần lá chắn tên lửa ở Ba Lan

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, giai đoạn 3 của dự án lắp đặt lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu vẫn được triển khai ở Ba Lan như kế hoạch.
Tân Hoa xã đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ngày 18/3 cho biết giai đoạn ba của dự án lắp đặt lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu vẫn được triển khai tại Ba Lan như kế hoạch.

Truyền thông Ba Lan dẫn lời Thứ trưởng Sherman cho biết, giai đoạn thi công thứ ba của hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu, dự kiến đặt tại căn cứ tên lửa ở Redzikowo thuộc miền Bắc Ba Lan, sẽ tiếp tục được triển khai như kế hoạch.

Bà Sherman nhấn mạnh động thái này hoàn toàn là quyết định của Mỹ nhằm bảo vệ lãnh thổ của Mỹ và bảo vệ cho NATO.

Hệ thống phòng thủ tên lửa được hiểu nôm na là một hệ thống bao gồm phát hiện, cảnh báo và phá hủy tên lửa của đối phương bằng tên lửa đánh chặn.

Ban đầu, hệ thống này được hiểu theo nghĩa là chống lại tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân (ICBMs) từ những năm 1960. Sau này, nó được sử dụng theo nghĩa rộng hơn, chống lại mọi loại tên lửa đạn đạo.

Các nước Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc và Israel đều đã phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. Tại Mỹ thì cơ quan phụ trách phòng thủ tên lửa (MDA) thuộc Bộ Quốc phòng nước này chịu trách nhiệm phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, rồi sau đó chuyển giao hải quân và không quân.

Những thành phần chính của hệ thống phòng thủ tên lửa do MDA phát triển gồm có bệ phóng tên lửa đánh chặn, cơ quan chỉ huy, và hệ thống cảnh báo sớm, radar chỉ dẫn mục tiêu.

Tên lửa đánh chặn mang đầu đạn EKV, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ngoài khí quyển. Sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, EKV sẽ khởi động cơ của mình và tấn công mục tiêu theo phương thức kinetic (va chạm động năng)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục