Nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số

Việc lựa chọn nơi khó nhất, nghèo nhất để ưu tiêu đầu tư hỗ trợ đã góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng thành các chính sách, các chương trình mục tiêu hướng tới tăng cường củng cố đoàn kết các dân tộc, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững quốc phòng an ninh...

Ngày 10/1/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II).

Chương trình có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nâng cao trình độ quản lý hành chính và kinh tế; đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2009, 100% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp miễn phí (mục tiêu là 95%); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 47% đầu năm 2006 xuống còn 31,2% năm 2009 (mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 30%); tỷ lệ hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người 3,5 triệu đồng/năm là 67,5% (mục tiêu đạt trên 70%)...

Cùng với Chương trình 135, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 62 huyện) cũng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của người dân ở các huyện nghèo nhất của cả nước, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa các vùng, miền.

Qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết 30a, bước đầu, các chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở; nâng mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng; hỗ trợ gạo cho hộ nghèo thôn, bản biên giới cùng với các chính sách khác đã được triển khai có kết quả, tạo sự chuyển biến một bước về đời sống của người dân trên địa bàn các huyện nghèo.

Với hiệu quả từ nguồn lực đầu tư của các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo hiện hành, kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 30a, tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 62 huyện nghèo đã giảm bình quân khoảng 4%/năm, từ 47% (năm 2008) xuống còn khoảng 43% (năm 2009).

Năm 2010, các địa phương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện nghèo xuống dưới 40% (theo chuẩn nghèo hiện hành); cơ bản hoàn thành việc giao đất, giao rừng; trợ cấp lương thực cho người dân ở những nơi không có điều kiện tổ chức sản xuất, khu vực giáp biên giới để bảo đảm đời sống, tạo sự chuyển biến bước đầu trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Bế Trường Thành nhận xét việc lựa chọn nơi khó nhất, nghèo nhất để ưu tiêu đầu tư hỗ trợ bằng các chương trình mục tiêu đã tác động góp phần rất lớn trong việc hạn chế khoảng cách chênh lệch về đời sống kinh tế giữa các vùng miền và các dân tộc./.

Quỳnh Hoa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục