Giảm tải cho bến Mỹ Đình

Điều chỉnh một số tuyến để giảm tải bến xe Mỹ Đình

Hà Nội đã lên phương án điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ra khỏi bến Mỹ Đình về các bến khác trên địa bàn Thủ đô.
Thời gian qua, tại khu vực bến xe khách Mỹ Đình thường xuyên xuất hiện tình trạng mất trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông. Hiện tượng “xe dù,” “bến cóc” hoạt động ngày càng gia tăng gây bức xúc trong nhân dân.

Lực lượng Công an, Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương đã tăng cường ngăn chặn, kiểm tra, xử lý hàng trăm xe khách vi phạm, trong đó hàng chục trường hợp bị đình chỉ hoạt động.

Để chấm dứt hiện tượng mất trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông tại khu vực bến xe Mỹ Đình, thành phố Hà Nội đã lên phương án thời gian tới sẽ điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ra khỏi bến Mỹ Đình về một số bến khác trên địa bàn.

Theo đó, đối với tuyến đi các tỉnh phía Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu sẽ bố trí ở bến xe Yên Nghĩa.

Các tuyến đi tỉnh Nam Định, Thái Bình được bố trí chia đều cho hai bến xe Yên Nghĩa và Gia Lâm.

Tổng số 525 phương tiện sẽ được điều chuyển; số chuyến xe điều chuyển 433 chuyến/ngày thuộc 59 đơn vị vận tải.

Như vậy, tới đây sau khi điều chuyển, bến xe Mỹ Đình chỉ còn 800 lượt xe/ngày; bến xe Yên Nghĩa tăng lên 626 lượt xe/ngày; bến xe Gia Lâm 667 lượt xe/ngày.

Việc bố trí điều chỉnh các tuyến như trên vẫn đảm bảo hợp lý, vì từ bến xe Yên Nghĩa đi phía Tây Bắc theo quốc lộ 6,  còn tuyến Thái Bình, Nam Định đi theo đường 70 hoặc đường Lê Trọng Tấn-Lê Văn Lương kéo dài-đường trên cao vành đai 3 để vào bến xe Yên Nghĩa; và đi theo quốc lộ 1-cầu Thanh Trì hoặc quốc lộ 39, quốc lộ 5 vào bến xe Gia Lâm.

Việc điều chỉnh này có một số ưu điểm sẽ giảm tải bến xe Mỹ Đình, đặc biệt giờ cao điểm; việc bố trí biểu đồ tại bến Yên Nghĩa đối với các tuyến này sẽ thuận tiện, không bị xáo trộn nhiều vì tuyến Nam Định, Thái Bình lượng xe của các đơn vị khai thác không nhiều; việc đi lại của người dân thuận tiện vì giữa các bến xe này đều có các tuyến xe buýt. Đặc biêt, nếu phân bổ như trên, sẽ hạn chế tình trạng bắt khách dọc đường gây mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường vành đai 3, đường Lê Văn Lương kéo dài.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã tính đến những nhược điểm vì thời gian đầu có nguy cơ nhiều xe chạy sai hành trình, lộ trình, xuất hiện nhiều “xe dù” trước bến xe Mỹ Đình gây mất trật tự tại khu vực đường Phạm Hùng do nhu cầu đi lại của người dân ở đây rất lớn. Thành phố Hà Nội chỉ đạo các lực lượng liên ngành chuẩn bị các phương án để hạn chế tình trạng trên.

Bến xe Mỹ Đình đưa vào khai thác năm 2004 trên cơ sở di dời bến xe Kim Mã, với tổng diện tích gần 20.000m2, có 217 doanh nghiệp đang hoạt động vận tải, 152 tuyến cố định. Số lượng xe xuất bến hàng ngày 920-950 lượt xe/ngày; cao điểm trung bình 1.233 lượt xe/ngày./.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục