Nga phản ứng trước chỉ trích của Iran về hạt nhân

Về vấn đề hạt nhân, Nga khẳng định không ngả theo Mỹ cũng không thiên về Iran và chính sách của Mátxcơva là vì lợi ích quốc gia.
Nga đã có phản ứng đầu tiên sau khi Iran chỉ trích Mátxcơva ủng hộ biện pháp trừng phạt mới của Liên hợp quốc nhằm vào nước này.

Cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Điện Kremlin, ông Sergei Prikhodko ngày 26/5 đã đề nghị Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hạn chế "những lời lẽ mị dân".

Những phát biểu trên được đưa ra sau khi Tổng thống Ahmadinejad chỉ trích Nga rằng nước này đã "nhượng bộ trước sức ép của Mỹ" về biện pháp trừng phạt mới chống Tehran, và cảnh báo Nga nên thận trọng hơn.

Iran còn cho rằng "Mátxcơva đang ngả theo những nước vốn là kẻ thù của Tehran trong suốt 30 năm qua."

Tuy nhiên, ông Prikhodko đã bác bỏ những chỉ trích này, khẳng định Nga không ngả theo Mỹ cũng không thiên về Iran và chính sách của Mátxcơva hoàn toàn vì lợi ích quốc gia.

Ngày 26/5, người phát ngôn Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia thuộc Quốc hội Iran Kazem Jalali cho rằng phương Tây cần đánh giá cao thiện chí của Tehran về thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân.

Ông Jalali tuyên bố thỏa thuận trao đổi ba bên của Iran với Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ "mang lại cơ hội ngàn vàng" để tăng cường hợp tác giữa Tehran với Nhóm Viên, trong đó có Mỹ, Nga, Pháp và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 26/5, Brazil - nước đã ký thỏa thuận trao đổi hạt nhân với Iran hồi tuần trước - đã gửi thư đến Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo Pháp, Nga và Mexico, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận hạt nhân ba bên.

Trong thư, Tổng thống Brazil Lula da Silva khẳng định rằng việc Iran sẵn sàng trao đổi một phần urani được làm giàu ở cấp độ thấp để nhận lại nhiên liệu được làm giàu ở cấp độ cao cho thấy "sự sẵn sàng để đối thoại khiến các lệnh trừng phạt trở nên không cần thiết."

Hiện chưa có phản ứng nào từ bốn nước trên về bức thư này của Tổng thống Brazil.

Theo thỏa thuận ba bên ký ngày 17/5, trong vòng một tháng, Iran sẽ chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ 1.200kg urani làm giàu cấp độ 3,5% để đổi lấy 120kg nhiên liệu làm giàu cấp độ 20%.

Số urani của Iran chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được bảo quản tại Thổ Nhĩ Kỳ và do Iran cùng IAEA giám sát, quản lý.

Bất chấp thỏa thuận trên, các nước phương Tây vẫn tỏ ra hoài nghi và tiếp tục gây sức ép để Iran phải hợp tác với IAEA hoặc chịu thêm các biện pháp trừng phạt. Điều này đã làm dấy lên các cuộc tranh cãi giữa hai bên trong hơn một tuần qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục