Xe 2.000 bảng phải đóng phí bảo hiểm 17.000 bảng

James Hayes, 17 tuổi, ở Anh choáng sau khi một hãng bảo hiểm đưa ra mức giá 17.000 bảng cho chiếc xe cậu vừa mua với giá... 2.000 bảng.
Cậu sinh viên James Hayes, 17 tuổi, ở Anh thực sự choáng sau khi một hãng bảo hiểm đưa ra mức giá 17.000 bảng/năm (hơn 500 triệu đồng Việt Nam) cho chiếc xe cậu vừa mua với giá... 2.000 bảng (gần 60 triệu đồng).

Hayes cho biết cậu đã phải dành dụm nhiều tháng trời để mua chiếc xe Vauxhall Corsa 1.0, và với mức phí bảo hiểm nói trên cậu sẽ phải làm việc cật lực trong suốt mùa hè mới đủ tiền chi trả.

Phí bảo hiểm đắt hơn giá trị của xe ôtô là chuyện thường ngày ở... Anh, đặc biệt là đối với các lái xe có tuổi đời và tuổi bằng thấp. Trong số các hãng bảo hiểm chào bán dịch vụ cho Hayes, mức phí thấp nhất đưa ra là 2.257 bảng.

Thống kê cho thấy các “tài xế” nam tuổi từ 17-20 có tỷ lệ gây tai nạn chết người hoặc thương tích nặng cao gấp 10 lần so với nhóm còn lại. Trong nhóm tuổi này cứ năm người thì có một người bị tai nạn ít nhất một lần trong sáu tháng đầu sau khi lấy bằng. Tỷ lệ lái xe trẻ đòi tiền bảo hiểm cũng cao gấp ba lần so với lái xe già.

Chính vì vậy, nhiều hãng bảo hiểm ôtô thường “từ chối khéo” khách hàng trẻ tuổi bằng cách tăng cao mức phí chào bán.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Anh Theo, phí bảo hiểm trung bình đối với xe ôtô ở Anh đã tăng thêm 11% trong vòng ba tháng qua, đạt trung bình 704 bảng/xe.

Nhiều lái xe trẻ đối phó bằng cách trốn mua bảo hiểm, dù biết rằng có thể đối mặt với nhiều hình phạt khác nhau, từ tịch thu xe, tịch thu bằng đến phạt tiền. Một số khác khai man để được mua bảo hiểm rẻ, chấp nhận khi xảy ra tai nạn không được hãng bảo hiểm bồi thường.

Hình thức khai man phổ biến nhất là để bố hoặc mẹ đứng tên bảo hiểm xe, còn họ chỉ là người lái phụ (trên thực tế là lái chính). Bằng cách này phí bảo hiểm giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, cách này cũng không qua mắt được các hãng bảo hiểm.

Khi một người trẻ khai form trên mạng, toàn bộ thông tin sẽ được tự động lưu vào hệ thống của công ty bảo hiểm. Nếu sau đó người này đứng tên là lái phụ cho chính chiếc xe đó, công ty bảo hiểm sẽ nhận ra mánh khóe lừa đảo và từ chối thanh toán bảo hiểm.

Tệ hại hơn, danh tính của người khai man sẽ bị lưu vào “danh sách đen” trong hệ thống liên thông của các hãng bảo hiểm. Và từ đó trở đi họ có thể bị từ chối bảo hiểm hoặc chịu mức phí rất cao./.

Vũ Hội (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục