Chung sức đối đầu với suy thoái kinh tế toàn cầu

Sáng 28/9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Sáng 28/9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu tới xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng đã chỉ rõ: Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra những hậu quả xấu tới đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, tình trạng tái nghèo lan rộng đã ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, đời sống nhân dân, sự ổn định của từng nước cũng như của khu vực, cản trở việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Để có thể đương đầu với những thách thức lớn mang tính khu vực và toàn cầu này, cần sự đoàn kết, hợp tác, chung sức chung lòng giữa các Chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù đã đạt những thành công nhất định trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng đòi hỏi các nước trong khu vực cần giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết như tạo công ăn việc làm, tạo dựng nguồn tài chính bền vững cho y tế, giáo dục, hạ tầng nông thôn và hệ thống phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Nhờ các nhóm giải pháp đồng bộ và phù hợp, Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và cuộc sống của người dân. Các biện pháp được thực hiện đều nhằm bảo đảm cho nhóm người nghèo, người yếm thế được hưởng lợi chính như chương trình đầu tư cho 62 huyện nghèo nhất nước, nhà ở cho người thu nhập thấp, dạy nghề cho nông dân...

Phó Thủ tướng mong rằng, qua Diễn đàn này các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, chia sẻ thông tin, đưa ra những sáng kiến, đề xuất biện pháp cụ thể để đối phó với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo.

Trước những thách thức và cơ hội đan xen, các nước cần có những cam kết mạnh mẽ với trách nhiệm cao hơn, đầu tư thích đáng hơn, có những bước đi phù hợp để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra về phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo; đồng thời tăng cường, mở rộng hợp tác nhằm huy động thêm nhiều nguồn lực để phát triển và thu hẹp khoảng cách, giữ ổn định xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững trong từng nước và trong cả khu vực.

Cũng tại Diễn đàn, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda cho rằng, khi châu Á bắt đầu phục hồi, Chính phủ các nước trong khu vực cần mở rộng mạng lưới bảo trợ xã hội để có thể vừa bảo vệ người nghèo, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.

Khủng hoảng có thể được nhìn nhận như một cơ hội nhằm đưa ra các giải pháp phát triển bền vững trong tương lai. Việc tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường thương mại khu vực, tối đa hóa lợi ích từ việc huy động các nguồn lực, đầu tư cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng, đồng thời tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội, phân bổ ngân sách hợp lý cho phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế, giáo dục, hỗ trợ người nghèo... là những giải pháp giúp các nước đương đầu tốt hơn nữa với khủng hoảng và phát triển bền vững trong tương lai.

Theo ước tính của ADB, nếu như mức tăng trưởng cao của châu Á không dừng lại trong năm qua, 60 triệu người đã có thể thoát khỏi mức nghèo với dưới mức 1,25 USD/ngày và 100 triệu người (những người dễ bị tổn thương do đói nghèo) đã thoát khỏi mức cận nghèo với dưới mức 2 USD/ngày.

Tại Diễn đàn, Phó Tổng Thư ký ASEAN Misran Bin Karmain ghi nhận những nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc giảm thiểu các tác động xấu của cuộc khủng hoảng, đồng thời kêu gọi các nước cần liên kết chặt chẽ hơn nữa để vượt qua các thách thức, phát triển bền vững, hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ.

Diễn đàn cấp cao về tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu tới xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức bởi ADB, Chính phủ Việt Nam, Trung Quốc và Ban Thư ký ASEAN, với sự tham gia của khoảng 350 đại biểu đến từ 28 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế.

Trong ba ngày làm việc (28 - 30/9), các đại biểu sẽ đi sâu phân tích những tác động kinh tế, xã hội của cuộc khủng hoảng đối với các nước trong khu vực, đặc biệt đối với xuất khẩu, lao động việc làm...; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục