Ở ngưỡng nguy hiểm

Giá lương thực thế giới đang ở ngưỡng nguy hiểm

Theo WB, giá lương thực thế giới tăng 29% năm qua và thấp hơn 3% so với mức giá thời khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008.
Giá lương thực thế giới đã tăng đến mức nguy hiểm, đẩy thêm ít nhất 44 triệu người ở các nước đang phát triển vào cảnh nghèo khó (bên cạnh hơn 900 triệu người đã phải sống cùng khổ trước đó), đe dọa sự ổn định chính trị.

An ninh lương thực nay đã trở thành vấn đề an ninh toàn cầu, rất cần sự hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức đang ngày một gia tăng.

Trên đây là nhận định của Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Robert B. Zoellick trong bài phát biểu với báo giới tại Washington ngày 15/2.

Ông Zoellick cho biết, giá lương thực thế giới đã tăng 29% trong năm qua và chỉ thấp hơn 3% so với mức giá thời khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008.

Nhân tố chủ yếu tác động tới sự tăng giá đột biến này là những biến động thời tiết và việc một số nước cấm xuất khẩu, khiến giá lúa mỳ tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian từ tháng 6/2010 đến tháng 1/2011, giá ngô tăng 73%, giá đường tăng 20% và giá dầu ăn tăng 22%.

Ông Zoellick cũng nhận định vụ mùa bội thu tại nhiều nước châu Phi và giá gạo không tăng vọt là hai nhân tố đã giúp hạn chế số người rơi vào cảnh nghèo khổ.

Chủ tịch WB kêu gọi có hành động toàn cầu để đảo ngược xu thế tăng giá lương thực nguy hiểm hiện nay và Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sắp tới cần đặt vấn đề giá lương thực là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Theo ông, các quốc gia cần chia sẻ nhiều thông tin hơn về mức cung cấp lương thực trên thế giới nhằm tránh phản ứng quá mức về những đột biến trong nguồn cung; thiết lập các mạng lưới an ninh lương thực hiệu quả hơn cho người nghèo; minh bạch hơn để công chúng có thể tiếp cận nhiều hơn các thông tin về số lượng và chất lượng lương thực dự trữ toàn cầu.

Chương trình phản ứng khủng hoảng lương thực toàn cầu của WB đang hỗ trợ 40 triệu người nghèo, với nguồn tài chính 1,5 tỷ USD. Hơn 40 nước thu nhập thấp đã và sẽ nhận được sự trợ giúp này bằng hạt giống, phân bón, thủy lợi và lương thực.

Về dài hạn, WB đã tăng hỗ trợ phát triển nông nghiệp toàn cầu từ 4,1 tỷ USD năm 2008 lên 6-8 tỷ USD năm 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục