AU tìm cách làm giảm căng thẳng Sudan-Nam Sudan

Một trong các mục đích của phái đoàn hòa giải AU là hối thúc lãnh đạo Sudan và Nam Sudan tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên.
Một ngày sau khi cuộc đàm phán giữa Sudan và Nam Sudan tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia bị đổ vỡ, phái đoàn trung gian hòa giải của Liên minh châu Phi (AU) do cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki đứng đầu đã đến thủ đô Juba của Nam Sudan trong sứ mệnh làm giảm căng thẳng giữa hai nước láng giềng.

Phát biểu với báo giới, ông Thabo Mbeki cho biết sẽ thảo luận với Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir về các biện pháp có thể thực hiện trong thời gian tới để làm dịu tình hình, sau đó phái đoàn của AU sẽ tới Khartoum để gặp Tổng thống Omar al-Bashir.

Một trong các mục đích của phái đoàn trung gian hòa giải AU là hối thúc hai nhà lãnh đạo Sudan và Nam Sudan tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nước, sau khi cuộc gặp - theo kế hoạch là vào ngày 3/4 vừa qua - đã bị hủy bỏ do bùng phát chiến sự dữ dội giữa quân đội hai nước.

[Tình hình căng thẳng leo thang giữa 2 nước Sudan]

Cùng đi với ông Thabo Mbeki trong phái đoàn trung gian hòa giải của AU có cựu Tổng thống Pierre Buyoya.

Trước đó, trong cuộc đàm phán giữa quan chức hai nước ở Addis Ababa từ ngày 2-4/4 với vai trò trung gian của AU, các nhà đàm phán của Sudan và Nam Sudan đã không đạt được thỏa thuận trong một số vấn đề an ninh.

Ngoài ra, phái đoàn Sudan cho biết bên trung gian AU đã đưa ra một đề xuất mới liên quan các lĩnh vực chính trị, quân sự, an ninh, truyền thông, nên cần phải nghiên cứu và tham vấn cấp cao hơn để bảo đảm sự tham gia của tất cả các giới chức hữu quan.

Về phần mình, nhà thương lượng chính của Nam Sudan, ông Pagan Amum cho rằng hai nước dường như không sẵn sàng cho cuộc đàm phán này, đồng thời chỉ trích phái đoàn Sudan rút khỏi cuộc thương lượng và không muốn ký hiệp định chính thức với đoàn Nam Sudan.

Dự kiến hai bên sẽ nối lại đàm phán vào tuần tới.

Từ khi Nam Sudan tách khỏi Sudan và tuyên bố độc lập vào tháng 7/2011 đến nay, hai nước vẫn chưa đạt được thỏa thuận về phân định biên giới, đặc biệt là tại những khu vực chứa nhiều tài nguyên dầu mỏ. Các bang nằm trên đường biên giới như Kordofan, Blue Nile, Unity... là nơi thường xảy ra giao tranh giữa quân đội Sudan với các nhóm được Nam Sudan hậu thuẫn.

Hiện, sản lượng khai thác dầu thô tại các khu vực do chính quyền Nam Sudan quản lý lớn gấp 3 lần sản lượng của Sudan, song Nam Sudan vẫn phải sử dụng các đường ống dẫn dầu và các cơ sở phụ trợ nằm trên lãnh thổ Sudan để xuất khẩu dầu và hai nước vẫn chưa thỏa thuận số tiền Giuba phải thanh toán.

Tuần trước, giao tranh đã bùng phát dữ dội khi quân đội Nam Sudan tiến vào khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ Higlieg - khu vực chiếm khoảng 50% sản lượng dầu mỏ của Sudan - ở bang Nam Kordofan do Sudan quản lý. Giao tranh sau đó lan rộng ra nhiều điểm tranh chấp ở khu vực biên giới chung. Quân đội hai nước đã sử dụng máy bay, xe tăng và pháo hạng nặng trong các cuộc đụng độ.

Dư luận quốc tế lo ngại tình hình leo thang căng thẳng ở biên giới có thể đẩy Sudan và Nam Sudan vào một cuộc chiến tranh.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 4/4 đã lên tiếng yêu cầu hai nước rút quân đội và cảnh sát khỏi khu vực tranh chấp Abyei.

Mỹ cũng kêu gọi hai nước kiềm chế và ngừng giao tranh để đảm bảo sự an toàn và an ninh cho người dân hai nước, tiến tới đàm phán để giải quyết bất đồng với vai trò trung gian của AU./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục