Châu Á-TBD đứng trước cơ hội tăng trưởng kinh tế

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015. Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) ngày 20/9 đã công bố báo cáo khẳng định khu vực này đang đứng trước bước ngoặt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) đúng hạn vào năm 2015.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015.

Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) ngày 20/9 đã công bố báo cáo khẳng định khu vực này đang đứng trước bước ngoặt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) đúng hạn vào năm 2015.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Thư ký chấp hành UNESCAP, bà Noeleen Heyzer, nhấn mạnh sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các thành tựu xóa đói nghèo và các thành công trong tiến trình thực hiện các MDG đã trở thành trung tâm của các chiến lược phát triển của các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Giảm đói nghèo là bước đi quan trọng để thúc đẩy nhu cầu trong nước và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững. Bà Heyzer nhấn mạnh thêm, một trong những thành công của tiến trình thực hiện các MDG ở châu Á-Thái Bình Dương là giảm số người nghèo từ 1,5 tỷ người năm 1990 xuống 947 triệu người năm 2005.

Khu vực cũng đạt tiến bộ lớn về số trẻ em đến trường và giảm bất bình đẳng giới trong giáo dục tiểu học, giảm 50% số người không được tiếp cận nước sạch và số người nhiễm HIV/AIDS.

Tuy nhiên, UNESCAP lưu ý rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn chiếm 2/3 số người nghèo đói và 1/6 số trẻ em bị suy dinh dưỡng của cả thế giới, trong khi chưa đạt những tiến bộ rõ rệt trong giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và bà mẹ.

Tổ chức này cảnh báo nếu tiến độ thực hiện các MDG vẫn như hiện nay, vào năm 2015, châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn 35 triệu người sống cùng khổ và 70 triệu người không được tiếp cận các điều kiện vệ sinh căn bản. Thực tế này đòi hỏi chính phủ các nước trong khu vực cần có chính sách đúng, hành động đúng và ý chí chính trị cao để tạo ra những đột phá.

UNESCAP nêu rõ các nước châu Á-Thái Bình Dương cần đặc biệt chú trọng tới tăng cường mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo, thúc đẩy nhu cầu trong nước và trao đổi thương mại nội khối, đảm bảo cung cấp các dịch vụ tài chính hỗ trợ người nghèo, thu hẹp khoảng cách về giới và khai thác tối đa tiềm năng của hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục