Hội nghị cấp cao Doanh nghiệp châu Âu năm 2011

"Châu Âu với thế giới: Dẫn đầu hay tụt hậu" là chủ đề của Hội nghị cấp cao Doanh nghiệp châu Âu lần 9, diễn ra ngày 18-19/5, tại Bỉ.
"Châu Âu với thế giới: Dẫn đầu hay tụt hậu" là chủ đề của Hội nghị cấp cao Doanh nghiệp châu Âu (EBS) lần thứ 9, diễn ra trong 2 ngày 18-19/5 tại thủ đô Brussels, Bỉ.

Tham dự và phát biểu tại hội nghị gồm các chính khách và nhà lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hàng đầu của châu Âu.

Trong khuôn khổ hai phiên họp toàn thể và 13 phiên họp với các đối tác thương mại, hội nghị xoay quanh các chủ đề về cải thiện môi trường kinh doanh, thị trường lao động, quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với các đối tác thương mại lớn… và đặc biệt là tương lai của châu Âu trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo đó, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ thảo luận về cách thức đối phó với những thách thức trong tương lai và cùng nhau đưa ra những kiến nghị hành động cụ thể để đưa châu Âu trở lại vị trí quan trọng vốn có trong nền kinh tế thế giới.

Cụ thể hơn, hội nghị sẽ xem xét các nền kinh tế trong EU đang bị tụt hậu trong những lĩnh vực nào và cơ hội để các doanh nghiệp "lục địa già" giành lại vị trí dẫn đầu. Đồng thời, hội nghị sẽ tìm ra cách thức hành động để giúp các doanh nghiệp bứt phá, giành vị trí hàng đầu và tạo xu thế tăng trưởng mới.

Trên thực tế, vị thế của châu Âu trong nền kinh tế thế giới hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã kìm hãm sự phát triển ở nhiều quốc gia, dẫn tới sản lượng công nghiệp giảm sút và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Thêm vào đó, tình trạng dân số già hóa, sản xuất đình trệ, khủng hoảng nợ công gia tăng và đồng euro đang trong "vùng nguy hiểm" khiến châu Âu phải hành động nhanh chóng để tránh suy thoái kinh tế. Những thách thức mang tính toàn cầu như sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các thị trường mới nổi, tình trạng biến đổi khí hậu và sự khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng đang đặt châu Âu vào tình thế khẩn cấp.

Giới kinh doanh nhận định mặc dù vẫn là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, song châu Âu vẫn cần được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thách thức từ tiến trình toàn cầu hóa, những thay đổi về nhân khẩu học và khả năng bền vững của môi trường. Do vậy, hiện tại châu Âu cần tạo được đà phục hồi kinh tế bền vững, để mở đường cho sự tăng trưởng ổn định, dựa trên việc tạo dựng được nền kinh tế "xanh" trong những năm tới.

Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách của EU phải đặt các công ty lên vị trí ưu tiên hàng đầu, tiến tới xây dựng một môi trường kinh doanh thân thiện hơn, giúp các công ty sản xuất hàng hóa và dịch vụ có tiêu chuẩn toàn cầu, tạo được thêm nhiều việc làm và phát triển các công nghệ mới.

Theo các nhà phân tích, đây là cách duy nhất để châu Âu thoát khỏi khủng hoảng và duy trì được vị thế hàng đầu trên thị trường toàn cầu./.

Thái Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục