Bi kịch Hy Lạp

Người Hy Lạp và tấn bi kịch "thắt lưng buộc bụng"

Những chính sách khắc khổ dội liên tiếp xuống đầu người dân khiến cuộc sống ở Hy Lạp giờ đây trở nên khó khăn ghê gớm.
Những chính sách khắc khổ dội liên tiếp xuống đầu người dân khiến cuộc sống ở Hy Lạp giờ đây trở nên khó khăn ghê gớm. Các quan chức tài chính châu Âu lại vừa làm đất nước Hy Lạp trở nên khó thở. Theo kế hoạch, sau khi Quốc hội Hy Lạp thông qua kế hoạch khắc khổ mới hôm Chủ nhật (12/2) thì hôm nay gói cứu trợ đầu tiên trong kế hoạch 230 tỷ euro sẽ đến với Hy Lạp. Nhưng vì “những vấn đề kỹ thuật”, châu Âu sẽ tạm thời chưa đưa ra bất cứ trợ giúp nào cho đất nước khốn khổ ở Nam Âu. Nói như ông Jean-Claude Juncker, người đứng đầu nhóm các Bộ trưởng Tài chính châu Âu, thì “vẫn còn nhiều việc Hy Lạp phải làm”. Nói thẳng ra là Hy Lạp phải tìm mọi cách cắt xén thêm 325 triệu euro trong chi tiêu ngân sách của năm 2012. Và việc này phải thực hiện xong trong ngày hôm nay (15/2) thì mới mong được châu Âu rót tiền. Với một chính phủ Hy Lạp đang bị dồn ép đến bước đường cùng và phải làm mọi việc để tránh nguy cơ đất nước sụp đổ, 325 triệu euro cũng chỉ là thêm một nhát cắt nữa. Nhưng với người dân Hy Lạp, điều đó có nghĩa là những điều tồi tệ nhất chưa phải đã kết thúc như họ từng nghĩ sau đêm bạo động ngày Chủ Nhật tại Athens. Làm sao để sống? Không mấy người, kể cả người Hy Lạp, có thể nhớ được Hy Lạp đã tung ra bao nhiêu chính sách khắc khổ, thắt lưng buộc bụng kể từ ngày cuộc khủng hoảng nợ bùng phát ở đất nước này năm 2010 (chính xác là 6 lần trong 20 tháng). Nhưng rất nhiều người có thể nhớ chính xác là cuộc sống của họ đã xuống cấp đến mức nào sau chừng đó quyết sách của chính phủ. Chính sách khắc khổ mới nhất được thông qua hôm Chủ Nhật (12/2) đã cắt giảm 22% mức lương tối thiểu mà một người làm công ăn lương Hy Lạp có thể được nhận. Giờ đây, mức lương tối thiểu ở Hy Lạp là 586 euro/tháng. Để so sánh, mức lương tối thiểu đó chỉ bằng hơn 1/3 lương tối thiểu ở Pháp (1.400 euro - chưa thuế) mà mức sống ở Athens hiện tại ngang ngửa, thậm chí còn đắt đỏ hơn Paris. Hai năm trước, một giáo viên cấp 2, tầng lớp có thu nhập trung bình ở Hy Lạp, có thể nhận lương 1.200 euro/tháng. Giờ, mức trung bình có thể có là 660 euro/tháng và hợp đồng sẽ lập tức chấm dứt sau khi kết thúc năm học. Trong 3 tháng Hè, nhiều giáo viên trở thành thất nghiệp và nếu may mắn lắm thì họ có thể được nhận trợ cấp thất nghiệp ở mức 356 euro/tháng. Chừng đó tiền để chi tiêu cho một cuộc sống nơi 1kg thịt có giá 8-10 euro, 1 cốc café từ 2,8-4 euro, 1 lít sữa giá 1,2 euro, 1 lít xăng 1,6 euro, một thuê bao internet và điện thoại 33 euro/tháng, bữa ăn trung bình ở nhà hàng 15 euro và một căn hộ nhỏ dưới 30m2 đã có giá thuê ít nhất là 350 euro/tháng. Những câu chuyện đời khốn khổ giờ đây tràn ngập trên báo chí Hy Lạp và gánh chịu nhiều nhất lại là những người trẻ. Ở Hy Lạp, 50% lao động trẻ (từ 18-25 tuổi) rơi vào cảnh thất nghiệp. Con số đó vẫn tiếp tục tăng mà lương tối thiểu cho giới này trẻ còn bị cắt giảm mạnh nhất, đến 32%.

Hy Lạp là nơi khai sinh ra nền Dân chủ, nhưng cũng là nơi sinh ra Bi kịch (Biếm họa của International Herald Tribune)
“Hy Lạp đã chết” Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng xã hội, thậm chí dẫn đến bạo động như đêm Chủ Nhật tại Athens, đang rất cận kề. Điểm mấu chốt là những gì sắp đến trong tương lai gần có vẻ còn tồi tệ hơn hiện tại. 15.000 lao động trong khu vực công đã bị đưa vào danh sách “chờ sa thải” từ giờ đến cuối năm và hiện chỉ được nhận 60% mức lương cơ bản. Chính sách tăng lương tự động dựa theo thâm niên bị xóa sổ, tức có làm lâu nữa cũng sẽ không được tăng lương. Một loạt trợ cấp xã hội, y tế bị xóa bỏ và việc xét duyệt trợ cấp sẽ ngày càng khó khăn hơn. Hàng loạt doanh nghiệp và nhà máy sẽ bị đóng cửa hoặc tư hữu hóa, tức công ăn việc làm sẽ còn ít hơn nữa. “Hy Lạp đã chết”, nhiều tờ báo ở châu Âu nhận định. Ít nhất thì cũng là không có tương lai. Khủng hoảng kinh tế đang dần chuyển sang một nấc thang mới là khủng hoảng xã hội. Báo chí ở Hy Lạp hàng ngày bắt đầu in trên báo các chỉ dẫn về an ninh khi các vụ trộm cắp, cướp của tăng lên. Các vụ biểu tình thì diễn ra liên miên khi ngày càng nhiều người Hy Lạp có suy nghĩ thà xuống đường còn hơn là đi làm với mức lương ít ỏi. Và không một ai biết khi nào thì tất cả những điều này sẽ kết thúc./.
 
Quang Nguyên/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục