Đại gia triệu đô trắng tay vì say... chứng khoán

Những cú quay đầu bất ngờ của thị trường đã làm điêu đứng biết bao nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư VIP bị thiệt hại nặng.
Người đàn ông từ tốn trả tiền cho gã xe ôm, sau đó uể oải đi lên sàn chứng khoán. Chị bán hàng nước ở vỉa hè thở dài, chỉ tay nói: “Ông Đỉnh, lúc trước hoành tráng lắm! Ông ấy đi xe hơi bạc tỷ nhưng rất niềm nở và dễ gần. Hôm nào lên sàn cũng ra đây ngồi uống nước cùng với mấy nhà đầu tư. Nhưng dạo này nghe nói mất nhiều tiền quá thành ra thẫn thờ như vậy đó.”

Năm 2009, cú quay đầu bất ngờ của thị trường chứng khoán trong phiên 23/10 đã làm điêu đứng biết bao nhà đầu tư, trong đó có không ít nhà đầu tư VIP bị thiệt hại nặng.

“Thiêu thân” bằng đòn bẩy

Đầu năm đó, không một thành viên nào trên thị trường dám nhận định về mốc đáy của VN-Index. Ngay cả khi thị trường xác định 235 điểm thì kể cả các  chuyên gia chứng khoán cũng không dám tin về điều này. Sự hồi phục của thị trường khiến cho nhiều người bán tín bán nghi. Cho tới khi VN-Index cán mốc 500 điểm thì niềm tin mới thực sự chắc chắn. Và cũng chính niềm tin đó đã khiến một bộ phận lớn nhà đầu tư đã bạo gan sử dụng đòn bẩy tài chính lên tới 200-400% cho hoạt động đầu tư của mình.

Nhớ lại thời điểm hồi tháng 8/2009, anh Tiến Dũng, nhà đầu tư tại hai sàn chứng khoán T&F tại Hà Nội, là bạn đầu tư với ông Đỉnh cho biết: "Nhóm chúng tôi ai nấy đều choáng ngợp trước số tiền 'lớn nhanh như Phù Đổng' trong tài khoản của mình. Lúc đó, cứ mỗi tuần tôi lãi hơn tỷ đồng, tính tới đỉnh sóng VN-Index trên 600 điểm, tôi kiếm được chục tỷ. Anh Đỉnh nhiều tuổi rồi, nên chỉ chơi theo chúng tôi, nhưng sau tính toán cũng dư được gần sáu tỷ đồng."

Theo anh Dũng, trên sàn chứng khoán mà họ giao dịch có phong trào tụ tập các nhà đầu tư VIP vào từng nhóm, hoạt động dưới sự hỗ trợ của một nhân viên môi giới chuyên nghiệp. Người môi giới này thường săn thông tin mật của một vài mã chứng khoán, rồi cùng cả nhóm hò nhau "đánh" cổ phiếu đó lên. Không chỉ vậy, các nhà đầu tư này còn được công ty chứng khoán hỗ trợ tỷ lệ đòn bẩy đặc biệt. Vì vậy, hoạt động kinh doanh xem ra rất hiệu quả.

“Sau đó, cuối tháng 10/2009, thị trường điều chỉnh. Tin tưởng vào mãnh lực tài chính của cả nhóm và những nhận định tốt về thị trường của công ty chứng khoán nên chúng tôi tiếp tục say sưa dùng đòn bẩy tài chính để đẩy giá cổ phiếu. Kết quả không đi ngược được xu thế chung của thị trường, vậy nên ai may thì đi hết chỗ lãi. Còn nhiều người chơi quá tay, nhà cửa và xe cộ đã không cánh mà bay,” anh Dũng kể.

Trường hợp của chị Hải và anh Quang cũng bi đát không kém. Hai người chung nhau thành lập một công ty bất động sản, mặc dù công ty không lớn lắm nhưng tổng tài sản của họ cũng có được vài triệu đôla. Thấy bạn bè kinh doanh chứng khoán kiếm bộn lãi, trong khi thị trường bất động sản lại có dấu hiệu chững lại, hai người bàn bạc tách một phần vốn chuyển sang đầu tư chứng khoán.

“Cơn lốc” lợi nhuận đã làm họ hoa mắt, cuối cùng hai người quyết định chơi canh bạc lớn. Cả vốn tự có và vốn huy động họ gom được hơn 4,5 triệu USD đổ vào chứng khoán. Vì nhảy vào thị trường lúc gần đỉnh sóng, lại không có kinh nghiệm trước những biến động bất thường, cộng thêm việc chuyên gia môi giới của họ chỉ hướng tới thu phí, anh này thiên về tư vấn mua mà không chú trọng báo cho khách hàng tháo chạy, cắt lỗ nên chỉ sau vài tháng tài sản của chị Hải và anh Quang còn lại khoảng 1,5 triệu USD.

Một người bạn đầu tư với chị Hải và anh Quang có cô Hà, nhà ở phố Nguyễn Biểu. Cô Hà đã hơn sáu mươi tuổi, trước là giám đốc một công ty du lịch của nhà nước, hiện tại chồng và hai con cô đang định cư, học tập và làm việc tại Mỹ. Vì chán cảnh rảnh rỗi, nhàm chán của tuổi già, cô Hà đã tham gia đầu tư chứng khoán. Để cho chắc chắn, cô  chơi chứng khoán trên sàn niêm yết.

Vì chơi cùng các nhà đầu tư tiền tỷ nên cô Hà cũng dần dà bạo tay. Ban đầu thì “lãi mẹ đẻ lãi con,” song còn quá ít kinh nghiệm với những diễn biến bất thường của thị trường nên tính tới thời điểm này, cô Hà đã phải bán đi hai căn hộ tại khu đô thị Ciputra để thanh toán tiền vay từ đòn bẩy tài chính.

Những nhà đầu tư là bạn của cô Hà cho rằng, với sự giàu có của cô Hà thì khoản mất mát kể trên cũng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, một căn hộ tại Cipuctra trên thực tế là mơ ước của không ít gia đình thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội Việt Nam, chứ chưa kể những người dân bình thường, có lẽ chẳng bao giờ họ dám nghĩ tới.

Những đại gia “MB” một đi không trở lại

Cũng trong năm 2009, cùng với sự phục hồi của thị trường chứng khoán niêm yết, thị trường OTC nổi lên hoạt động “lướt sóng” cổ phiếu của Ngân hàng thương mại Quân đội (MB). Cổ phiếu này được chuộng đến mức không còn giao dịch giới hạn ở khu vực phố Liễu Giai [nơi có trụ sở của Ngân hàng thương mại Quân đội - PV] mà một vài công ty chứng khoán đã triển khai mở sàn OTC với duy nhất một sản phẩm là MB.

Đa phần các nhà đầu tư kinh doanh cổ phiếu MB trên sàn đều biết đến nhóm đại gia từng “làm mưa làm gió” một thời của cổ phiếu này. Họ xuất thân từ những thương gia, trí thức và có cả những công chức.

Một điểm nổi bật đầu tiên của nhóm này là những chiếc xế hộp theo họ tới sàn mỗi ngày. Các thương hiệu của các dòng xe nổi tiếng như Mercedes, Lexus, BMW… đều được điểm mặt tại đây.

Anh Hà Quân, một nhà đầu tư kỳ cựu kể, các đại gia này là những người dẫn dắt giá cổ phiếu lên xuống bám theo VN-Index, họ mua-bán số lượng rất lớn, người ít vốn cũng tới vài chục tỷ đồng. Những nhà đầu tư nhỏ, hầu hết chỉ  còn biết đánh theo họ mà thôi.

“Nhóm nhà đầu tư này chơi rất liều lĩnh, một nghiệp vụ chứng khoán ẩn chứa nhiều rủi ro mà họ thường xuyên sử dụng là hoạt động mua-bán khống. Được thì ăn lớn, mà mất thì trắng tay, chính sóng lên gần 630 điểm của VN-Index đã 'quét' sạch nhóm nhà đầu tư này khi họ tổng lực tấn công đánh xuống mã MB. Sự thua lỗ, xung đột lợi ích giữa các nhà đầu tư trong nhóm với nhau hay giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư xuất hiện. Lúc đó, giới truyền thông có đưa tin liên tiếp về sự tranh chấp, kiện cáo của các nhà đầu tư này,” anh Quân kể.

Dẫn chứng về những tổn thất của họ, anh Quân chỉ ra một nhân vật nổi tiếng trong nhóm được mọi người biết đến cuối cùng cũng đã phải bán chiếc BMW, trị giá 6 tỷ đồng để trả nợ và biến mất khỏi sàn OTC. Một người thân thiết với nhóm này và chỉ chơi theo họ, nhưng đợt đó cũng đã mất hơn 3 tỷ đồng tiền mặt, bán cả nhà và chiếc xe hơn 100 nghìn USD cũng không đủ trả các khoản nợ các nhà đầu tư khác ở trên sàn.

"Thậm chí, để trốn nợ, cô này còn giả bệnh ung thư, phải đi Singapore chữa bệnh,” anh Quân trầm tư, kể về hoàn cảnh đáng tiếc của một trí thức trẻ.

Theo thạc sĩ Kinh tế Trần Trí Dũng, Giám đốc Công ty nghiên cứu Kinh tế DHVP, vào những thời điểm thăng hoa của thị trường chứng khoán, nhà đầu tư dễ gặp tổn thất lớn do “bỏ quên” kỳ vọng lợi nhuận của mình và để ước muốn trôi theo diễn biến thị trường. Ví dụ, lúc bắt đầu gia nhập thị trường, lãi 20% trong vòng 3 tháng đã là tốt, nhưng vì sốt ruột với số lời của những nhà đầu tư xung quanh, nên mức mong muốn trở thành 40% trong vòng 4 tháng. Kết cục là hàng không bán được và "chết tắc" với số tiền đầu tư.

“Giáo sư tài chính Simon Benninga luôn khuyến cáo, thị trường chứng khoán rất hiệu quả và xử lý thông tin rất tốt. Điều này có nghĩa là ưu thế về thông tin, nếu có, sẽ nhanh chóng mất đi. Ý nghĩa quan trọng của thị trường chứng khoán là tính thanh khoản chứ không phải một cỗ máy tạo ra tiền. Hành trình 10 năm thăng trầm của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là từ cuối năm 2006 đến nay, giúp chúng ta tỉnh táo để hiểu rằng, đầu tư chứng khoán không phải gửi tiết kiệm lãi suất cao,” ông Trần Trí Dũng nói./.

(Các nhân vật trong bài đã được đổi tên)

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục