Xóa nghèo ở nông thôn: Giải pháp phát triển thế kỷ 21

Theo nghiên cứu mới được công bố, tăng cường hợp tác Nam-Nam và xóa đói nghèo ở nông thôn là giải pháp phát triển cho thế kỷ 21.
Ngày 23/7, Chủ tịch Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Kanayo F. Nwanze và Chủ tịch Tổ chức Phát triển toàn cầu (BRAC), Fazle Hasan Abed, công bố một nghiên cứu chung khẳng định tăng cường hợp tác Nam-Nam và xóa đói nghèo ở nông thôn là giải pháp phát triển cho thế kỷ 21.

Nghiên cứu này nhấn mạnh những dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về kinh tế thế giới đã cho thấy bức tranh kinh tế toàn cầu rộng lớn, trong đó các nước đang phát triển có nhịp độ phát triển kinh tế vượt trội so với các nước công nghiệp có thu nhập cao. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của các nước đang phát triển tăng 5,3% trong năm 2012, trong khi các nước phát triển chỉ tăng 1,4%.

Mặc dù không phải mọi người ở các nước đang phát triển đều được hưởng lợi ích bình đẳng từ thành tựu phát triển kinh tế này vì hầu hết các hộ gia đình nông thôn vẫn sống trong các điều kiện cùng khổ, nhưng những dấu hiệu tăng trưởng đã cho thấy sự năng động của các nước phương Nam sẽ là một trong những nhân tố then chốt giảm đói nghèo ở nông thôn và đảm bảo an ninh lương thực cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo trên thế giới.

Chủ tịch của IFAD và BRAC nêu rõ tác động tiềm tàng của hợp tác Nam-Nam đang tăng lên khi các nền kinh tế mới nổi tăng đầu tư vào châu Á và châu Phi. Hợp tác Nam-Nam lâu nay thường được hiểu chỉ là trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng giữa các chính phủ, các tổ chức và cá nhân ở các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, dòng buôn bán và đầu tư Nam-Nam tăng nhanh đã khẳng định hợp tác Nam-Nam không còn chỉ là chia sẻ tri thức và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, mà thương mại và đầu tư đã nhanh chóng trở thành nhân tố then chốt của quan hệ hợp tác giữa các nước đang phát triển. Chuyển giao tri thức công nghệ giữa các nước phương Nam góp phần quan trọng tăng cường phát triển nông nghiệp, xóa đói nghèo và đảm bảo an ninh lương thực. Hợp tác Nam-Nam cần vươn xa hơn nữa, đưa đầu tư Nam-Nam trở thành viện trợ phát triển trực tiếp (ODA). Trao đổi tri thức cũng cần mở rộng sang cấp độ chính sách.

Với động lực như vậy, lợi ích của hợp tác Nam-Nam sẽ giành được động lực mở ra những hy vọng và cơ hội lớn cho gần 1 tỷ người đang sống nghèo khổ trên thế giới. IFAD và BRAC tiếp tục thúc đẩy hợp tác Nam-Nam trong chuyển giao tri thức nông nghiệp thông qua các quan hệ đối tác với các chính phủ các nước thu nhập thấp và trung bình.

Hợp tác Nam-Nam đã chứng tỏ là hợp tác đem lại lợi ích chung toàn cầu. Tăng trưởng GDP nảy sinh từ nông nghiệp có hiệu quả giảm đói nghèo cao hơn ít nhất 2 lần tăng trưởng GDP từ các lĩnh vực kinh tế khác. Đây là nhân tố sống còn để đảm bảo cân bằng trong phát triển./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục