Tiếng rao đêm Hà Nội - Nhớ một thời đã xa

Những tiếng rao đêm nhiều âm sắc đầy quen thuộc với người Hà Nội nay đã biến mất, thay vào là tiếng loa đài rè rè vặn hết công suất.
“Ai bánh chưng, bánh gai, bánh giò không!”; “Ai ngô luộc, trứng vịt lộn đây!”. Những tiếng rao đêm trên đường phố dường như đã trở thành quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức đối với mỗi người Hà Nội.

Mỗi lời rao mời lại có một giọng điệu riêng, lúc trầm ấm, lúc thanh cao, có lúc lại biến âm thật lạ và thu hút với nhiều âm sắc khác nhau, giống như một bản hòa ca cho thành phố về đêm.

Tiếng rao đêm từng là một nét văn hóa của người Hà Nội và đã đi vào âm nhạc, thi ca. Nhà thơ Tố Hữu từng viết:

"Ai ăn bánh bột lọc không?
Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng!
Tiếng rao nhỏ của một em bé gái
Không vang lâu, chỉ vừa đủ rao mời”
(Một tiếng rao đêm-Tố Hữu).

Nét văn hóa của những tiếng rao đêm ngày xưa là vậy. Hà Nội xưa thâm trầm và cổ kính. Hà Nội nay ồn ào, tất bật và đông đúc với những âm thanh hỗn loạn cả ngày lẫn đêm. Có lẽ cũng vì vậy mà nét văn hóa của những tiếng rao đêm Hà Nội xưa cũng mất dần.

Ngày nay, để giữ sức, người bán hàng cũng biết tận dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật như việc ghi âm tiếng rao rồi cho phát ra bằng loa pin hoặc ắcqui, làm cho tiếng rao vang xa hơn; nhưng nhiều khi do pin yếu tiếng kêu “ọ… ọe”, nghe vừa thương vừa tức cười.

Họ rao cả vào buổi sáng, trưa, chiều, tối và đêm. Rồi thì, những lời rao bán, mua hàng tục tằn thiếu văn hóa nhiều khi đến khó hiểu. Anh bán báo thì câu khách bằng những thông tin giật gân “cướp”, “giết”, “hiếp”; chị mua đồ điện tử cũ thì mời gọi bằng những câu thơ có vần điệu nhưng khó có thể hiểu được nội dung.

Trong một con ngõ nhỏ ở đường Ngọc Lâm (quận Long Biên) có những tối có tới 4-5 người rao mua, bán hàng khác nhau. Anh bán hàng tạp hóa chào mời khách bằng cách bật loa hết công suất, với loại nhạc Rap; anh bán bánh mỳ thì cũng tăng công suất loa của mình lên để chào mời...

Vẫn biết, đằng sau mỗi tiếng rao là một cuộc đời, một số phận, là những cuộc vật lộn để mưu sinh với những nỗi nhọc nhằn cơ cực nhiều khi không thể gọi thành tên. Chẳng thà nhọc nhằn nơi quê hương bản quán để kiếm được tiền, còn hơn đêm về với mái tranh nghèo mà ấm áp nơi quê nhà nhưng lại không kiếm được tiền.

Và cảm động xiết bao, khi biết được có những người mẹ bán quà đêm ấy lại nuôi được những đứa con học hết đại học, và cả cao học!

Đêm cuối thu, tiết trời se lạnh. Ngồi ở một quán nước ven đường Trần Hưng Đạo, tôi vẫn nghe thấy những tiếng rao đêm bằng loa đài của anh chàng bán bánh mỳ nóng, chị bán xôi...

Và, chợt thấy chạnh lòng tự hỏi, không biết những du khách, khách mời nước ngoài sẽ nghĩ gì về chuyện này, khi về dự Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội vào năm tới?./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục