Indonesia-Trung Quốc xây cầu vượt eo biển Sunda

Công ty Trung Quốc và Indonesia sẽ đầu tư 10,9 tỷ USD xây dựng cây cầu vượt eo biển Sunda nối hai hòn đảo Java và Sumatra.
Tổng công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCC) sẽ đầu tư 10,9 tỷ USD, hợp tác cùng công ty Graha Banten Lampung Sejahtera (GBLS) của Indonesia thực hiện một dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử của đất nước “Vạn đảo” là xây dựng cây cầu vượt eo biển Sunda nối hai hòn đảo Java và Sumatra.

Dự án được thực hiện theo thỏa thuận được ký kết nhân chuyến thăm Bắc Kinh trong các ngày từ 22-24/3 của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono.

Chủ tịch GBLS, Agung Prabowo, cho biết đây là một dự án thế kỷ và đầy khó khăn, thách thức đối với Indonesia, nhưng cũng sẽ là bước mở đường đột phá để Indonesia hoàn thành các mục tiêu phát triển chiến lược dài hạn từ nay cho đến năm 2050.

CRCC là một đối tác tiềm năng, giàu kinh nghiệm và là nhà đầu tư của nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở châu Phi và Trung Đông. GBLS là một công ty chi nhánh thuộc tập đoàn Artha Graha của ông Tommy Winata, một trong những tỷ phú USD giàu nhất Indonesia, được thành lập năm 2007 để đặt cơ sở cho việc xây dựng chiếc cầu vượt biển nói trên.

Ngay từ những năm 1960 Tổng thống Indonesia khi đó là ông Soekarno đã đề cập tới việc xây dựng chiếc cầu dài 30 km nối Java và Sumatra, song dự án này chỉ được đưa ra xem xét khi nền kinh tế liên tục tăng trưởng cao trên 6% trong những năm qua.

Theo tính toán, cây cầu qua eo biển Sunda sẽ kết nối tới 80% dân số 240 triệu người của Indonesia, giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi sẽ mất hai năm, và việc xây dựng có thể bắt đầu được triển khai vào năm 2014 và mất khoảng 10 năm để hoàn thành. Các con tàu lớn nhất thế giới có thể qua lại eo biển này một cách bình thường vì nơi cao nhất của cầu là 80 m trên mặt nước biển.

Cây cầu dài nhất Indonesia hiện nay là Suramadu, dài 5,4km, được một công ty Indonesia và đối tác Trung Quốc hoàn thành trong năm 2009 sau sáu năm xây dựng, nối Surabaya ở Đông Java với đảo Madura.

Kiến trúc sư nổi tiếng Indonesia Wiratman Wangsadinata, chịu trách nhiệm thiết kế, cho biết cầu Sunda có khả năng chịu được các trận động đất mạnh tới 9 độ Richter, cũng như hoạt động phún trào của núi lửa Anak Krakatau cách đó khoảng 50km.

Người phát ngôn Cơ quan Quốc gia Quản lý Thiên tai của Indonesia, Sutopo Purwo Nugroho, cho biết tác động của sóng thần đến cầu Sunda cũng rất hạn chế do nó nằm cách xa nơi giao tiếp của hai thềm lục địa Ấn Độ-Australia và Á-Âu tới 200km. Tuy nhiên cây cầu phải được thiết kế đủ sức chịu đựng những cơn gió mạnh tại eo biển này, nơi thường xảy ra các vụ đắm phà trong thời gian chạy mất bốn tiếng để nối hai đảo Java và Sumatra./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục