Mất 8.000 tỷ đồng sau khai thác hải sản mỗi năm

Tổn thất sau khai thác hải sản của Việt Nam hiện vẫn khoảng trên 20% sản lượng, thậm chí đến 30%, tương đương gần 8.000 tỷ đồng/năm.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tổn thất sau khai thác hải sản ở Việt Nam hiện vẫn khoảng trên 20% sản lượng khai thác, thậm chí đến 30% (với tàu bảo quản bằng ướp muối).

Như vậy, mỗi năm cả nước mất khoảng 400.000 tấn hải sản, tương đương với gần 8.000 tỷ đồng/năm.

Tổng cục Thủy sản cho biết hiện nay, nhiều tàu có công suất lớn đã bố trí các hầm chứa sản phẩm có cách nhiệt, thực hiện phân loại bảo quản với các sản phẩm phục vụ ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Tuy nhiên, những tàu nhỏ vẫn áp dụng phương pháp bảo quản chủ yếu bằng nước đá xay, ngoài ra cũng có những tàu vẫn giữ phương pháp bảo quản truyền thống ướp muối.

Trong 10 năm gần đây, số lượng tàu cá gia tăng đáng kể song phần lớn là tàu có kích thước nhỏ, được đóng theo các mẫu dân gian và thường không có hoặc có cũng rất hạn chế các điều kiện để bảo quản tốt các sản phẩm sau khai thác.

Tàu thường thiếu mặt bằng để phân loại sản phẩm. Nhiều tàu không thiết kế hầm bảo quản sản phẩm hoặc có chỉ là hầm chứa sản phẩm với những vật liệu đa dạng, thường không đảm bảo cách nhiệt tốt như gỗ tấm, xốp miếng ghép, cá biệt một số tỉnh miền Trung còn sử dụng bạt bằng nhựa.

Do vậy, nếu trúng đàn, các tàu rất khó khăn cho việc bảo quản, sơ chế sau khai thác. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh hầm bảo quản sau mỗi chuyến biển cũng không được tốt nên việc nhiễm vi sinh vào sản phẩm ngay khi cá được đưa vào hầm bảo quản cũng đã làm giảm chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.

Trong những năm qua, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển như tăng cường chất lượng dự báo ngư trường, chỉ đạo khai thác hải sản theo mùa vụ, tổ chức lại công tác hậu cần dịch vụ phục vụ khai thác, xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên biển...

Đặc biệt, việc tổ chức sản xuất trên biển, các mô hình tổ, đội, kết hợp tàu khai thác với tàu thu gom, vận chuyển, tàu mẹ, tàu con; kết hợp giữa chủ tàu khai thác với các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch cũng như tăng hiệu quả khai thác./.

Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục