"Có dấu hiệu ổn định"

Tổng GĐ IMF: Kinh tế toàn cầu "có dấu hiệu ổn định"

IMF nhận định kinh tế toàn cầu bắt đầu "có dấu hiệu ổn định", song tình trạng nợ công và giá dầu tăng vẫn là những rủi ro quan ngại.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF), bà Christine Lagarde nhận định kinh tế toàn cầu bắt đầu "có dấu hiệu ổn định", song tình trạng nợ công chồng chất của một số quốc gia phát triển và hiện tượng giá dầu tăng cao vẫn là những rủi ro đáng quan ngại.

Phát biểu tại Bắc Kinh ngày 18/3 trong chuyến thăm Trung Quốc hai ngày dự diễn đàn phát triển cấp cao Trung Quốc, bà Lagarde cho rằng kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng bắt đầu "dễ thở" sau khi giải quyết được phần nào cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp.

Nhờ thế, nguy cơ kinh tế thế giới lâm vào một cuộc khủng hoảng mới đã tạm thời được xua tan.

Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều mối đe dọa tiềm tàng và đà phục hồi của con tàu kinh tế thế giới còn rất mong manh.

Theo bà Lagarde , trong số những rủi ro đối với kinh tế và tài chính thế giới, trước hết phải kể đến sự yếu kém của các hệ thống tài chính trên thế giới, vì nợ công và nợ của tư nhân chồng chất.

Tiếp đến là giá dầu đang tăng cao có nguy cơ làm tiêu tan hy vọng phục hồi của kinh tế thế giới. Mối lo ngại thứ ba là đà tăng trưởng ngoạn mục của các nền kinh tế mới nổi bị chững lại.

Vì vậy, IMF kêu gọi các nước phát triển chú trọng việc giải quyết nợ công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vĩ mô, đồng thời cố gắng duy trì cân bằng chính sách tài chính, đẩy nhanh quá trình điều chỉnh kết cấu và cải cách tiền tệ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và phục hồi của kinh tế thế giới.

Còn các nền kinh tế mới nổi cần định rõ các chính sách kinh tế vĩ mô để phòng ngừa sự "tụt dốc" của các nước phát triển và giảm bớt sức ép.

Đối với Trung Quốc, bà Lagarde  tin rằng trong tương lai đồng Nhân dân tệ (NDT) có thể trở thành đơn vị tiền tệ dự trữ của thế giới.

Để đạt được điều này, Bắc Kinh cần điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, quản lý tiền tệ có hiệu quả hơn.

Tổng giám đốc IMF nêu ra ba ưu tiên trước mắt của Trung Quốc là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa để bớt lệ thuộc vào xuất khẩu và chú trọng hơn đến sự phân chia đồng đều những thành tựu kinh tế cho các thành phần trong xã hội.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Lagarde  đã có cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường ngày 18/3.

Bà đánh giá cao việc áp dụng các chính sách tăng trưởng kinh tế, mở rộng nhu cầu nội địa của Trung Quốc, góp phần quan trọng trong việc phục hồi và ổn định kinh tế thế giới.

Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh kinh tế cũng như thị trường tài chính thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, khủng hoảng nợ công tại một số quốc gia khó có thể giải quyết một cách nhanh chóng.

Do đó, cộng đồng thế giới, bao gồm cả IMF và nhóm G-20 cần tăng cường phối hợp để nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu phát triển cân bằng và bền vững.

Ông Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ tích cực ủng hộ IMF trong giải quyết khủng hoảng nợ công châu Âu, và hy vọng IMF tiếp tục đẩy nhanh quá trình cải cách để thực hiện tốt hơn nữa tôn chỉ cũng như mục đích của mình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục