Phụ nữ Arập Xêút đã được phép tham gia Olympic!

Quyết định của Arập Xêút cho phép 2 nữ VĐV tranh tài tại Olympic, đã đảo ngược điều cấm phụ nữ tham dự tồn tại suốt một thập kỷ.
Quyết định của Arập Xêút trong việc cho phép 2 nữ vận động viên tranh tài tại Thế Vặn hội năm nay đã đảo ngược một điều cấm kỵ kéo dài suốt một thập kỷ do hoàng gia Hồi giáo, trong đó cấm phụ nữ tham gia các hoạt động thể thao.

Hai phụ nữ Saudi Arabia tại một sự kiện thể thao ở nước này (Nguồn: AFP)
Việc trên đã diễn ra sau khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tổ chức thương thuyết với lãnh đạo ngành thể thao Arập Xêút. Sự kiện đã được đánh giá là "mang tính đột phá" và Arập Xêút đã nhận được lời khen ngợi từ chủ tịch IOC Jacques Rogge. Những người phụ nữ sẽ làm nên lịch sử cho Arập Xêút là Wodjan Ali Seraj Abdulrahim Shahrkhani (bộ môn judo) và Sarah Attar (chạy 800m). "Đây là tin tức rất tích cực và chúng tôi sẽ rất vui khi chào đón 2 vận động viên tới London trong vài tuần tới," Rogge nói. "IOC đã hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Olympic Arập Xêút và tôi hài lòng khi thấy hoạt động đối thoại diễn ra liên tục đã mang lại trái ngọt." Ngành thể thao Arập đã không quảng bá việc phụ nữ nước này tham gia Olympic London, nhằm tránh việc đối đầu với các lực lượng siêu bảo thủ trong nước vốn vẫn phản đối những việc như thế. Hồi đầu tháng 7, Chủ tịch ủy ban Olympic nước này và bộ trưởng thể thao, Hoàng tử Nawaf bin Faisal, đã đặt ra các quy định cho cuộc chơi. Theo đó, tất cả các vận động viên nữ của Arập sẽ phải ăn mặc giản dị, phù hợp với luật sharia Hồi giáo và phải có người giám hộ là nam giới đi kèm. Họ sẽ không ở chung với đàn ông trong Olympic. Arập Xêút, Qatar và Brunei là 3 nước chưa từng gửi nữ vận động viên tới Olympic. Giờ thì cả 3 nước sẽ có nữ vận động viên trong sự kiện thể thao sẽ chính thức khởi tranh từ ngày 27/7 ở London. Nữ vận động viên bắn súng Qatar, Bahiya al-Hamad, 19 tuổi sẽ mang cờ tại lễ khai mạc. Cô sẽ tranh tài trong môn bắn súng ngắn 10m. "Tôi đang run bắn lên vì vui mừng khi được mang quốc kỳ của nước tôi, Qatar trong lễ khai mạc," Hamad nói. "Đây là một khoảnh khắc lịch sử cho thể thao." Attar, 17 tuổi, thì cho biết tại trại tập huấn của cô ở thành phố San Diego, Mỹ rằng đây là "một vinh dự lớn lao và tôi hy vọng sẽ có thể làm điều gì đó để phụ nữ ở quê nhà có thể tham gia vào thể thao nhiều hơn." Không giống Arập Xêút, Qatar khuyến khích phụ nữ tham gia thể thao và quyết định sẽ chạy đua giành quyền đăng cai Olympic 2024, dù nỗ lực đăng cai trong năm 2020 của họ đã thất bại. Nước này cũng chuẩn bị để đăng cai World Cup 2022. Tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm đã được Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) ca ngợi là sự đột phá cho hoạt động thể thao của nữ giới ở Arập. "Cho phép phụ nữ tranh tài dưới màu cờ sắc áo của Saudi ở Thế Vận hội London sẽ đặt ra tiền lệ quan trọng," Christoph Wilcke, quan chức cao cấp chuyên về Trung Đông của HRW nói. "Nhưng nếu không thay đổi chính sách để cho phép phụ nữ tham gia vào thể thao và tranh tài trong vương quốc, sẽ có ít sự thay đổi với hàng triệu phụ nữ và các bé gái đang thiếu cơ hội hoạt động thể thao."

Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã nín thở trong mấy tuần gần đây để chờ quyết định từ phía Saudi. Hy vọng đã tắt dần khi Liên đoàn Đua ngựa Quốc tế (FEI) thông báo hồi tháng trước rằng nữ kỵ sỹ Saudi Dalma Rushdi Malhas không đạt chuẩn để tranh tài ở Thế Vận hội. Malhas, 20 tuổi, đã cố gắng đạt chuẩn tối thiểu của Thế Vận hội trước hạn chót 17/7, nhưng con ngựa của cô đã bị thương và nó không thể tham gia giai đoạn kiểm tra chuẩn kéo dài 1 tháng. Tình hình tệ hại hơn khi Hoàng tử Nawaf đề ra các điều kiện ngặt nghèo nếu người ta muốn nữ vận động viên Arập Xêút tranh tài. Hôm thứ Năm, IOC đã không nói rõ các vận động viên Arập Xêút sẽ tham gia Thế Vận hội dưới các điều kiện nào. Arập Xêút cấm việc phát hình các hoạt động thể thao có sự tham gia của nữ giới và đài truyền hình quốc gia bị cấm phát chiếu các trận đấu tennis có phụ nữ tham gia, dù rằng người ta vẫn xem các trận đấu này qua truyền hình vệ tinh. Đầu tháng này, một quyết định của các cơ quan quản lý bóng đá thế giới trong việc đảo ngược lệnh cấm nữ cầu thủ đeo khăn trùm đầu Hồi giáo khi ra sân, đã được vài quốc gia Arab hoan nghênh. Tuy nhiên Arập Xêút vẫn lặng thinh trước quyết định này./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục