Tìm vốn phát triển doanh nghiệp trong năm 2010

Sang năm 2010, nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp tăng mạnh nhưng nguồn huy động lại không đổi và chương trình hỗ trợ lãi suất đã kết thúc, gây sức ép thực sự với doanh nghiệp. Dù các ngân hàng đều tuyên bố sẽ cân đối nguồn vốn và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn nhưng theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nên tích cực tìm kiếm những nguồn vốn mới hơn là chỉ trông chờ vào ngân hàng.
Việc nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động lên mức 10,49% ngay khi quyết định tăng lãi suất cơ bản có hiệu lực được coi là động thái chuẩn bị nguồn vốn cho năm 2010. Thế nhưng, liệu các doanh nghiệp có tiếp cận được với nguồn vốn này hay không?

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho biết, trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng một cách từ từ nhằm kiểm soát lạm phát trong trung hạn và hỗ trợ cho phục hồi và phát triển trở lại của doanh nghiệp.

Do vậy, dự đoán năm 2010 tăng trưởng tín dụng có thể giảm xuống dưới 30%. Và như vậy cũng đã có những khó khăn nhất định cho khu vực doanh nghiệp.

Nhu cầu vốn vẫn cao

Năm 2010 được dự báo là năm bắt đầu có những tín hiệu của sự hồi phục kinh tế. Chính phủ dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2010 là 6,5%. Thậm chí, Ngân hàng Goldman Sachs còn lạc quan dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm tới là 8,2%.

Báo cáo của ngân hàng này cũng cho biết đầu tư của khối tư nhân cũng đã tăng tốc. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất cho năm tới vẫn là nguồn vốn, mặc dù đây là chuyện “muôn thuở”.

Nhưng nếu những năm trước, doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn rẻ, thì vào năm tới họ lại cho rằng, “điều quan trọng không phải là vấn đề lãi suất nữa. Đắt hay rẻ đối với doanh nghiệp hiện không quan trọng bằng việc làm thế nào để tiếp cận được vốn”, đại diện của Công ty Thuận Phát - một doanh nghiệp trong lĩnh vực thép chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Quyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Hải Phòng cũng cho biết, với doanh nghiệp này, nhu cầu vốn trong năm 2010 sẽ lớn hơn rất nhiều so với năm 2009.

Đặc biệt, khi nhà máy mới của công ty hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đẩy nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp trong năm tới lên mức 30 tỷ đồng.

Tuy không phải con số quá lớn, nhưng hàng hóa của công ty này là các loại bột canxi, quặng... - vốn chưa bao giờ có thể đem đi thế chấp để vay vốn như với các loại ôtô, sắt thép. Ông Quyền cho biết thêm, chẳng hạn năm 2009, nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp là 5 tỷ đồng, nhưng huy động tất cả các nguồn, cả ngân hàng, cả vay lãi ngoài cũng chỉ được khoảng 10%.

Sang năm 2010, nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp tăng mạnh nhưng nguồn có thể huy động lại không thay đổi. Và đó là sức ép thực sự với doanh nghiệp.

Do vậy, nếu Nhà nước có những cơ chế riêng với từng loại hình doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh khoáng sản, thì doanh nghiệp của ông Quyền sẽ đỡ khó khăn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều doanh nghiệp lo ngại khi chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ kết thúc (31/12/2009), doanh nghiệp vừa khó tiếp cận vốn vừa phải chịu mức lãi suất cao.

“Do việc đã dừng gói hỗ trợ lãi suất, bản thân các doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm tới. Nhưng nếu các biện pháp hỗ trợ, biện pháp quản lý không tiếp tục được duy trì, thì doanh nghiệp sẽ phải tính tới phương án giảm quy mô sản xuất”, bà Nguyễn Thị Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Phú Cường (Hải Phòng) lo ngại.

Cùng nỗi lo đó, bà Lê Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty Sản xuất phụ tùng ôtô xe máy Hưng Yên AMA thì cho biết: “Doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi đang phải chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp từ các doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường Việt Nam. Thế nhưng, việc vay vốn đã khó, vay với lãi suất thương mại cũng không dễ, khiến chúng tôi trong năm qua phải đi vay tín chấp từ người dân, như vậy thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ không bao giờ có lợi nhuận. Doanh nghiệp trong nước cứ loay hoay như vậy trong một cái 'vũng' mà không thể tự mình thoát ra được”.

Ông Lê Xuân Nghĩa thậm chí còn cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện đang phải huy động vốn trên thị trường chợ đen với lãi suất cao tới 4,5-5%/ tháng. “Đây là một điều hết sức đáng lo ngại”, ông Nghĩa bình luận.

Tìm kiếm những nguồn vốn mới

Trong khi đó, lãnh đạo các ngân hàng đều tuyên bố sẽ cân đối nguồn vốn và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn.

Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Lý Xuân Hải cho biết: “Nghe có vẻ nghịch cảnh, nhưng việc tăng lãi suất cơ bản dẫn đến tăng trần lãi suất cho vay, làm cho khách hàng dễ tiếp cận đến nguồn tín dụng bằng VND hơn”.

Ông Hải lý giải rằng, khi trần lãi suất là 10,5%, biên lãi suất rất hẹp nên muốn cho vay hiệu quả ACB phải lựa chọn khách hàng rất kỹ và phải căn cứ thu nhập tổng thể mà họ đem lại cho ngân hàng. “Khi biên độ được mở rộng, “khung giá” trở nên rộng hơn và chúng tôi có điều kiện phục vụ được nhiều khách hàng hơn”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong năm tới, các doanh nghiệp nên tích cực tìm kiếm những nguồn vốn mới hơn là chỉ trông chờ vào các ngân hàng.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một trong những công cụ huy động vốn khá hiệu quả mà doanh nghiệp nên tận dụng, ông Nguyễn Trường Giang - một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, gợi ý.

Tuy nhiên, ông Giang cho rằng, việc phát hành trái phiếu đối với những doanh nghiệp lớn sẽ dễ dàng hơn nhờ vào uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp nhỏ, để giảm rủi ro trong việc phát hành không thành công, doanh nghiệp nên thông qua tổ chức tư vấn và bảo lãnh phát hành.

Bên cạnh công cụ này, các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn phương án đi thuê tài chính. Với kênh này, doanh nghiệp không cần ký quỹ đảm bảo tài sản hay tài sản thế chấp mà còn có thể được tài trợ đến 100% vốn đầu tư.

Thậm chí, nếu doanh nghiệp đã lỡ đầu tư mua tài sản nhưng thiếu vốn lưu động vẫn có thể bán lại cho công ty cho thuê tài chính, rồi sau đó công ty lại cho doanh nghiệp thuê lại. Như vậy, doanh nghiệp vừa có vốn lưu động cho hoạt động sản xuất vừa vẫn được sử dụng tài sản.

Trong trường hợp doanh nghiệp xảy ra rủi ro, bên cho thuê cũng xử lý tài sản đơn giản hơn về mặt pháp lý. Kênh huy động vốn này rất thích hợp đối với những doanh nghiệp đã có dự án.

Điều khiến doanh nghiệp băn khoăn khi sử dụng kênh này là, trong nhiều trường hợp, bên cho thuê sẽ là người quyết định đầu tư thế nào. Vì vậy, theo ông Giang, để tận dụng tối đa ưu thế của hai công cụ này, doanh nghiệp nên tìm đến phương án phát hành trái phiếu trước, phần vốn thiếu hụt từ phát hành trái phiếu có thể tìm kiếm từ nguồn thuê mua tài chính, bởi như vậy chi phí sẽ rẻ hơn, doanh nghiệp cũng chủ động hơn cho việc tiến hành mua tài sản./.

Bài viết trên được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh Nhân của VCCI và Vietnam+
(Doanh Nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục