Các phương án tiền lương trình tại Hội nghị TW 5

Với vai trò là cơ quan tham mưu, nghiên cứu, đề xuất, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo đề án cải cách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 5 sắp tới.
Quan điểm của Bộ Nội vụ là bên cạnh những vấn đề vĩ mô, những gì có lợi nhất cho đội ngũ cán bộ, công chức phải quan tâm đến để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định tại buổi cung cấp thông tin định kỳ cho các cơ quan báo chí chiều 26/4 khi trả lời về vấn đề cải cách tiền lương với các phương án sẽ được trình tại Hội nghị Trung ương 5 sắp tới.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, từ 1999 đến nay mức lương tối thiểu cũng đã căn cứ vào mức độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, căn cứ và khả năng ngân sách có thể cho phép.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành nghị định mới quy định mức lương tối thiểu chung là 1.050.000 đồng/tháng, tính từ 1/5.

Đây cũng là sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước trong việc quan tâm đến chế độ tiền lương để đảm bảo giữa tiền lương danh nghĩa và tiền lương thực tế của người hưởng lương từ ngân sách, điều chỉnh kịp thời với sự thay đổi của chỉ số giá sinh hoạt.

Để cải cách tiền lương, ngoài các phương án mở rộng bộ số lương hoặc giãn mức lương, giãn hệ số giữa các bậc trong ngạch bậc lương, điều rất quan trọng là phải nâng lương tối thiểu.

Song vấn đề này còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác như khả năng đáp ứng của ngân sách, sự phát triển kinh tế xã hội, chỉ số giá sinh hoạt…

Với vai trò là cơ quan tham mưu, nghiên cứu, đề xuất, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo đề án cải cách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 5 sắp tới, sau đó đưa ra Quốc hội tiếp tục thảo luận xem xét.

Các giải pháp được đưa ra trình lần này đã được lựa chọn cân nhắc kỹ lưỡng để trên cơ sở đó các cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Bộ Nội vụ cũng khẳng định việc tăng lương tối thiểu tháng Năm tới là nằm trong lộ trình cải cách tiền lương nhà nước chứ không phải là biện pháp nhất thời để thỏa mãn việc trượt giá của đồng tiền và bù đắp cho đời sống của công chức.

Thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, trong 5 năm qua đã giản biên chế được hơn 54.000 người. Sắp tới Bộ Nội vụ sẽ có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP để thúc đẩy việc tinh giản biên chế.

Thực hiện tinh giản biên chế cũng là một trong những giải pháp Chính phủ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng mong muốn tiếp tục đẩy mạnh để đảm bảo nguồn kinh phí góp phần cải cách tiền lương.

Nói về Nghị định 36/2012/NĐ-CP thay thế Nghị định 178/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, trong đó quy định các bộ có không quá bốn Thứ trưởng, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết: thời gian qua, chúng ta xây dựng tổ chức các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và hợp nhất một số bộ để giảm số lượng bộ trong Chính phủ, trong quá trình hợp nhất, số lượng Thứ trưởng nhiều hơn so với quy định.

Bên cạnh đó, do quá trình luân chuyển để đào tạo bồi dưỡng xây dựng nguồn cũng làm cho số Thứ trưởng cao hơn quy định. Để thực hiện cải cách hành chính, đảm bảo xây dựng bộ máy, kể cả đội ngũ lãnh đạo quản lý gọn nhẹ, Nghị định 36/2012/NĐ-CP quy định các bộ có không quá bốn Thứ trưởng.

Đây là tư tưởng cải cách hành chính của Chính phủ trong việc tổ chức bộ máy Chính phủ cũng như bộ máy lãnh đạo quản lý phù hợp. Trong trường hợp đặc biệt, vì lý do xuất phát từ thực tiễn quản lý, từ nhu cầu đơn vị, cần có số Thứ trưởng nhiều hơn quy định, các bộ phải báo cáo đề xuất, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét.

Mục tiêu của Chính phủ vẫn là xây dựng bộ máy gọn nhẹ, tổ chức quản lý các bộ theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đội ngũ lãnh đạo quản lý đảm bảo có đủ phẩm chất và trình độ năng lực với số lượng không nhiều.

Tại buổi họp, đại diện Bộ Nội vụ cũng cung cấp nhiều thông tin liên quan đến việc đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý, tăng chỉ tiêu biên chế trong các đơn vị được bổ sung chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị mới thành lập.../.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục