Lao động tự do và cơ hội được đào tạo nghề du lịch

Tổ chức của Hà Lan đang triển khai một dự án đào tạo du lịch tại Việt Nam, hướng tới nhóm đối tượng ít có cơ hội tìm việc làm.
Dự án “Đào tạo du lịch tạo tác động lớn về thu nhập và việc làm” (HITT) mà Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) đang triển khai hướng tới nhóm đối tượng không có điều kiện tốt để tìm ra cơ hội việc làm, đào tạo họ kỹ năng nghề. Dự án còn giúp hòa nhập cũng như mang lại cơ hội bình đẳng cho nhóm lao động dễ bị tổn thương của xã hội như cộng đồng nông thôn, thanh niên, phụ nữ và người dân tộc thiểu số tham gia làm du lịch. Nội dung này cũng nằm trong khuôn khổ Chương trình “Phát triển các phương pháp và dịch vụ giáo dục đào tạo nghề cho khối kinh tế tự do” do Cộng đồng châu Âu (EC) tài trợ. Theo đó, sau bốn tháng đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau, nhóm đối tượng này sẽ được nhận chứng chỉ tốt nghiệp. Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời để tới đây họ có thể gia nhập thị trường lao động. Đối với nhiều học viên, sự kiện này có thể coi là một trong những thành tựu lớn trong đời. Tuy nhiên, thật không dễ dàng để có được thành quả đó. Rào cản ngôn ngữ… Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam ông Bryan Fornari cho biết lý do Dự án tập trung vào du lịch: “Vì chúng tôi đã tham khảo các chỉ số rất thú vị là ngành du lịch của các bạn phát triển như thế nào, dịch vụ du lịch có tiềm năng ra sao và đồng thời những tác động của ngành này có thể có đối với xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tới đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương và dễ bị sự gia tăng của những khối ngành kinh tế tác động.” Với xuất phát điểm đó, HITT có lẽ đã chọn được một trọng tâm rất đúng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nhắm vào đối tượng lao động tự do –được xem là đối tượng dễ bị tổn thương cần được quan tâm ưu ái cũng như thiết kế những chương trình phù hợp nhất để giúp họ hòa nhập với thị trường lao động của xã hội.

Rào cản lớn của người dân tộc thiếu số là bất đồng ngôn ngữ - Ảnh minh họa: ChiLê/Vietnam+

“Lao động tự do là những đối tượng lao động nằm ngoài hệ thống chính thức, không được kiểm soát bởi thuế hay những quy định về lao động,” Quản lý Chương trình du lịch của Tổ chức Phát triển Hà Lan, ông Phil Harman nhấn mạnh. Theo ông Phil, du lịch là một ngành có số lượng lao động rất lớn ở Việt Nam nhưng cơ sở cho hoạt động của lực lượng này chủ yếu là hợp đồng miệng chứ không có bất cứ một ràng buộc bằng hợp đồng văn bản hay ký kết một giấy tờ nào cả. Nhóm lao động đó thường là những người bán hàng rong, bán trong cửa hàng thực phẩm, đồ khô, là hướng dẫn viên du lịch, người đạp xích lô, nhân viên quán bar hay thậm chí là chủ cơ sở của những homestay… “Cá nhân tôi thường gặp những đối tượng lao động thế này, họ làm việc với các hợp đồng thường kéo dài từ 3-6 tháng,” ông Phil nói. Và Dự án HITT tại Việt Nam sẽ tập trung vào một số tỉnh nghèo ở Tây Bắc và miền Trung, trong đó có bốn trung tâm du lịch tập trung số lượng lớn lao động tự do gồm Hà Nội, Sapa, Huế và Hội An. Tuy nhiên, khảo sát bước đầu của Dự án cho thấy, tiếng Anh là một rào cản phổ biến đối với lao động tự do Việt Nam. Vì thế, nâng cao trình độ ngoại ngữ là yêu cầu hàng đầu trong dự án này của SNV. Tiếp đó chương trình sẽ cung cấp kiến thức cho hướng dẫn viên và chủ dịch vụ homestay về văn hóa, lịch sử; đào tạo kỹ năng giao tiếp cho lái xe; nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh, kỹ năng phục vụ của nhân viên, sự nhanh nhẹn trong phục vụ đối với dịch vụ nhà hàng… Và lời giải cho những thách thức Không thể phủ nhận các hoạt động liên quan đến du lịch đã tạo ra nguồn thu khổng lồ cho nền kinh tế thế giới (với doanh thu hơn 1000 tỷ USD mỗi năm và khoảng 40% thu nhập của các nước phát triển có nguồn gốc từ ngành du lịch). “Du lịch là ngành kinh tế có tiềm năng rất lớn trong việc mang lại lợi ích cho xã hội, đặc biệt là nhóm đối tượng lao động tự do trong bối cảnh một quốc gia đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Rõ ràng, nhu cầu tạo ra công ăn việc làm cho đối tượng lao động này là vấn đề mang tính chất xã hội nhưng đồng thời cũng là một thách thức cho chúng ta làm sao để có một lộ trình và những phương pháp có thể tạo ra các cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng lao động này,” Giám đốc Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) Tom Derksen bày tỏ.

Những đứa trẻ này khi lớn lên có làm thay đổi diện mạo du lịch vùng cao? - Ảnh: ChiLê/Vietnam+

Cũng từ nhu cầu đó mà hiện tại dự án đang cung cấp các khóa đào tạo và làm việc ba tháng trong lĩnh vực khách sạn nhà hàng, kinh doanh, quan hệ khách hàng và công nghệ thông tin cho nhóm lao động tự do. Thành quả của lộ trình này sẽ là 2100 “sinh viên” tốt nghiệp vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, ông Phil Harman cũng đưa ra dẫn chứng tiêu biểu cho nghề hướng dẫn viên thôn bản và điều hành dịch vụ nhà dân vốn đang thu hút nhiều người dân tộc thiểu số. Thực tế, dù có nhu cầu nhưng chưa hoặc rất ít cơ sở đào tạo cung cấp chương trình này. Do đó khi triển khai HITT sẽ có các khóa đào tạo về dịch vụ khách hàng, kỹ năng hướng dẫn khách thăm quan và kiến thức về điểm đến cho các hướng dẫn viên thôn bản. Nhân viên của HITT cũng sẽ đào tạo các kỹ năng như quy trình đón khách và tiễn khách, an toàn và an ninh, kỹ năng làm buồng phòng và bảo trì, quảng bá, kế toán, hiểu về khách du lịch... cho điều hành dịch vụ nhà dân. Với tổng kinh phí tài trợ 2,5 triệu Euro cho giai đoạn 2011-2014, chương trình thực hiện sẽ góp phần phát triển kinh tế bền vững vì người nghèo và tạo tác động trên quy mô rộng tại bảy quốc gia, ở châu Phi có Ghana, Benin, Mali, Mozambique và châu Á là Nepan, Campuchia và Việt Nam. “Đây là chương trình thú vị vì thông qua chương trình này có thể tích hợp được rất nhiều bối cảnh, văn hóa cũng như những bài học khác nhau của những quốc gia khác nhau tham gia chương trình của chúng tôi. Những bài học của các quốc gia khác cũng có thể là bài học cho Việt Nam,” đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam ông Bryan Fornari đánh giá./.
ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục