Tăng cường tính cạnh tranh quốc tế cho da giày

LEFASO đã tổ chức một hội thảo nhằm cung cấp thông tin thị trường cho DN da giày và bàn giải pháp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm này.
Ngày 4/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Da Giày Việt Nam (LEFASO) phối hợp cùng Công ty thông tin thương mại, tài chính chuyên sâu Dun&Bradstreet (D&B) tổ chức hội thảo “Nắm bắt cơ hội: Cùng ngành da giày Việt Nam vượt qua khó khăn.”

Hội thảo nhằm cung cấp cho doanh nghiệp ngành da giày những thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm và thách thức khi vươn ra thị trường quốc tế; đồng thời đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, tìm kiếm đối tác và đánh giá độ tin cậy của đối tác trong xu hướng áp dụng những phương thức giao thương mới.

Ông Phạm Quang Thắng, Giám đốc kinh doanh công ty FedEx Việt Nam nhận định rằng Việt Nam đang dần trở thành công xưởng sản xuất mới của thế giới, ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà xuất nhập khẩu. Nhưng ngành da giày Việt Nam cũng đang chịu nhiều sức ép và sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các vấn đề vận chuyển hàng hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng…

Ông Emmanuel C.Atienza, Giám đốc D&B của khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết ngành da giày Việt Nam đang ở trong giai đoạn khó khăn chung của thị trường thế giới, do đó doanh nghiệp phải đổi mới phương thức kinh doanh, tìm kiếm đối tác… để tăng cường tính cạnh tranh. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngày càng ứng dụng phổ biến thương mại điện tử vào giao dịch, tìm hiểu đối tác, đặt hàng hơn là tham gia các triển lãm hay hội chợ.

Tuy nhiên, để đảm bảo độ tin cậy của thông tin và tính an toàn trong giao dịch, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường mong muốn hợp tác với những đối tác đã được tổ chức quốc tế hoặc một đơn vị độc lập thứ 3 chứng nhận về tính hợp pháp trong kinh danh nhằm tránh các rủi ro thương mại.

Trong năm nay ngành da giày đã mở rộng được 4 thị trường xuất khẩu mới gồm Argentina, Chile, New Zealand và Slovakia; đồng thời kim ngạch xuất khẩu của ngành ước sẽ đạt 6 tỷ USD vào cuối năm.

Hiện nay, hầu như các doanh nghiệp ngành da giày đã ký được đơn hàng xuất khẩu cho cả năm nay và đang trong quá trình đàm phán đơn hàng cũng như triển khai kế hoạch sản xuất cho năm 2012. Mặc dù ngành da giày đang tăng trưởng theo xu hướng tích cực nhưng một số nhà sản xuất Việt Nam vẫn e ngại trong việc nhận đơn hàng do sự biến động của giá nguồn nguyên liệu, nhân công, chi phí sản xuất…/.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục