“Săn” nhầm hàng đội giá

Tháng khuyến mãi: Dễ “săn” nhầm hàng đội giá

Mức giảm giá quá hấp dẫn của nhiều siêu thị, cửa hàng khiến nhiều người "mờ mắt," rút ví mua hàng rồi mới được một bài học nhớ đời!
Hí hửng khuân về nhà chiếc tivi LCD Toshiba 40’’ gần 11 triệu đồng được quảng cáo rẻ hơn cả triệu đồng so với giá gốc, anh Nho Đạt (Mỹ Đình, Hà Nội) chưa kịp mừng thì đã bị vợ phản đối kịch liệt. Tội ở chỗ, tưởng vớ được hàng giá rẻ nên dù ở nhà đã có chiếc tivi LCD màn hình lớn chẳng kém, anh vẫn chẳng nề hà rút ví, vì “chẳng mấy khi!"

 Người ít đi mua sắm như anh làm sao biết, chiếc LCD hoành tráng anh vừa mua về chỉ là mẫu từ năm ngoái và giá cũng chẳng giảm nhiều như mấy nhân viên tiếp thị "rót" vào tai anh.

Anh Đạt tâm sự, người bận bịu như anh chẳng mấy khi có thời gian dò xét thật kỹ giá cả các nơi trước khi đi mua. Đi làm về qua siêu thị trên phố Hai Bà Trưng, thấy biển quảng cáo giảm giá từ 30-50% đỏ chót, sáng chói, lại thêm cảnh người mua kẻ bán tấp nập quá, anh chẳng thể kìm được lòng.

Mà đúng thật, có tới nửa số mặt hàng treo biển giảm giá. Siêu thị lại còn cẩn thận tới mức ghi rõ giá niêm yết và giá khuyến mãi để người không rành về mua sắm như anh dễ dàng chọn lựa.

“Trông giá giảm như thế, ai mà không ham, về nhà mới biết, mình chả hời được là mấy, lại còn lo nơm nớp vì hàng  có mẫu mã từ năm ngoái không biết chất lượng thế nào,” anh Đạt tiếc rẻ.

Chẳng riêng mình anh Đạt, không ít người cũng đang lâm vào cảnh khóc dở mếu dở vì mờ mắt với những quảng cáo không thể hấp dẫn hơn của các siêu thị. Với trường hợp của chị Ngọc Hoa (Đội Cấn), sự việc thậm chí còn "đau thương" hơn nhiều.

Ngày Vàng năm ngoái, chị tranh thủ trốn ít giờ làm buối sáng xếp hàng tê chân trước cửa siêu thị trên phố Tràng Thi. Hôm ấy, chị cũng hớn hở mua chiếc tủ lạnh có giá gần 7 triệu đồng, giảm tới 30% so với mức giá niêm yết.

Hàng xóm bảo chị dại vì vẫn mặt hàng đấy mua ở những cửa hàng điện máy nhỏ hơn, giá cả vẫn thế mà chẳng phải chen lấn xô đẩy. Giá thì chị chẳng kiểm tra lại nhưng chị yên tâm ở chỗ, dù sao cũng là hàng mua ở siêu thị lớn, giá không rẻ được nhiều quảng cáo thì cũng được cái chất lượng kéo lại.

Ai ngờ, chỉ ba tháng sau khi sử dụng, món hàng hời của chị bỗng trục trặc liên miên. Lúc đầu là chiếc tủ lạnh cứ rú ầm lên mỗi khi chị để nhiệt độ hơi cao. Lại nữa, ngăn đá nhà chị chẳng hiểu vì lý do gì mà có cũng như không, nước bỏ vào mất cả nửa ngày mới thành đá… non.

“Cũng mất công bảo hành lên xuống nhưng rồi tình hình cũng chẳng cải thiện là bao. Từ nay về sau xin chừa, có ngày vàng, tháng khuyến mãi cũng cần xem kỹ hàng hoá trước khi mua,” chị Hoa than thở.

Thực tế khảo sát nhanh tại một số siêu thị cũng cho thấy, giá cả của nhiều mặt hàng vẫn ngang bằng, hay thậm chí nhỉnh hơn so với giá bán thị trường.

Tại siêu thị Pico Plaza, chiếc điều hoà hiệu Mitsubishi,12.500 BTU có giá 12.690.000 đồng, rẻ hơn 1.300.000 đồng so với giá gốc. Tuy nhiên, ở các cửa hàng trên phố Cầu Giấy và Hai Bà Trưng, giá sản phẩm tương tự cũng chẳng hơn kém là bao. Chiếc lò vi sóng được siêu thị Nguyễn Kim thông báo giảm giá gần 30% với giá bán 1.400.000 đồng nhưng thực chất so với một số cửa hàng ngay cạnh đó cũng chỉ giảm khoảng vài chục nghìn đồng.

Một nhân viên của siêu thị trên phố Tràng Thi tiết lộ, việc giảm giá trong tháng khuyến mãi là có thật và lượng khách hàng những ngày này thường tăng đột biến so với thời gian khác. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm treo mác giảm 30%-50% nhưng thực chất chỉ giảm khoảng 5%-10%.

Không những thế, trong ngày vàng, tháng khuyến mãi, nhiều mặt hàng tồn kho rất lâu cũng sẽ được đem ra chào hàng.

Khá bức xúc về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, chuyện hàng tồn, hàng đội giá là đang là một thực tế không những của năm nay mà đã tồn tại khá lâu.

Theo ông, điều đáng nói ở đây là trách nhiệm kiểm tra của đơn vị tổ chức, đó là Sở Công thương Hà Nội. Ông Phú nhận định, chỉ có siết chặt quản việc quản lý giá niêm yết và giá bán ra thì khách hàng mới tránh được việc mù mờ về giá cả hay thậm chí mua hớ.

Vị đại điện của Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng đưa ra con số, hàng năm, chỉ có 30% doanh nghiệp báo cáo lại sau tháng khuyến mãi. Bởi thế, theo ông, mới có chuyện, các doanh nghiệp thông báo người trúng thưởng qua các hình thức quay số, bật nắp… với nhiều phần thưởng rất có giá trị nhưng thực chất khách hàng chẳng nhận được những giải thưởng đó.

Ông Vũ Vinh Phú cũng thẳng thắn nhận định, bản thân ông không khuyến khích Ngày vàng. Theo ông, những Ngày vàng sẽ gây tình trạng hỗn loạn như xô đẩy, chen lấn, móc túi, rất phản cảm.

“Thay vì tổ chức Ngày vàng, sao không kéo dài những ngày khuyến mãi ra. Như thế, vừa tránh tình trạng mất trật tự, người dân lại được hưởng lợi thêm về thời gian khuyến mãi,” ông Phú đề xuất./.

Quảng - Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục