8X và 600 bộ trang phục

Cô gái 8X và hơn 600 bộ phục trang đầu thế kỷ 20

Mới 24 tuổi, Đỗ Thu Hiền đã một mình đảm nhận việc thiết kế hơn 600 bộ trang phục của đầu thế kỷ trước cho phim "Nhìn ra biển cả".
Bộ phim Nhà nước đặt hàng nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - "Nhìn ra biển cả" (Hãng phim Hội Điện ảnh sản xuất) đã hoàn thành 80% công việc.

Làm về giai đoạn lịch sử cách nay đúng 100 năm, vấn đề “nan giải” nhất của đoàn phim chính là bối cảnh và phục trang. Và một trong hai công việc khó khăn này đã được trao cho một 8X - Đỗ Thu Hiền, 24 tuổi, sinh viên năm cuối Trường Mỹ thuật Công nghiệp.

Đỗ Thu Hiền đã có kinh nghiệm “làm phục trang” cho 5 phim, trong đó có 3 phim truyền hình dài tập và 2 phim truyện nhựa ("Bụi đường""Em muốn làm người nổi tiếng").

Phim "Nhìn ra biển cả" có bối cảnh đầu thế kỷ 20, việc thiết kế phục trang cho phim này không đơn giản đối với cả những họa sĩ phục trang có thâm niên và kinh nghiệm. Khi được nhà sản xuất giao việc, Thu Hiền có cảm thấy bị áp lực?

Đỗ Thu Hiền: Tôi không muốn niềm tin của đơn vị sản xuất bị đặt nhầm chỗ. Ngay sau khi nhận lời tham gia phim, tôi đã tìm đọc rất nhiều tài liệu viết về trang phục thời đó, đọc rất kỹ cộng với xem rất nhiều tư liệu ảnh, sau đó tự đúc kết thành những đặc điểm chính, đặc trưng về phục trang của người dân Việt đầu thế kỷ 20, đặc biệt là phục trang của người dân miền Trung.

Tuy bối cảnh phim diễn ra chủ yếu tại Huế, Bình Định và Phan Thiết (Bình Thuận), nhưng tôi cũng đã nghiên cứu trang phục của cả người dân miền Bắc, miền Nam để tìm ra điểm giống và khác giữa trang phục 3 miền để tránh nhầm lẫn kể cả về màu sắc, kiểu dáng. Bước tiếp theo là cho ra những phác thảo phục trang cho các nhân vật chính, chính thứ và quần chúng trong phim.

Cụ thể trong phim này là trang phục của các nhân vật Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành, Hồ Tá Bang, Hương Bình (học trò của Nguyễn Tất Thành), bà mẹ Hương Bình... Bên cạnh đó là phục trang của người dân Huế, Bình Định và Phan Thiết, của học sinh Trường Quốc học Huế và học sinh trường Dục Thanh (nơi Bác Hồ đã từng dạy học)... Sau đó là việc triển khai sản xuất toàn bộ phục trang và phụ kiện phục trang đã dự kiến.

Kinh phí dành cho phục trang ở phim này có đáp ứng những ý tưởng của Hiền?

Đỗ Thu Hiền: Chất liệu chính được sử dụng cho trang phục trong phim "Nhìn ra biển" cả là các loại vải. Bên cạnh lụa tơ tằm, đũi, gấm (vải lương, vải lãnh) được sử dụng cho những người thuộc tầng lớp trên, còn sử dụng rất nhiều loại vải thường như vải phin, thô, vải mộc (vải tám, vải ú) cho nông dân, vải kaki cho lính Pháp và sĩ quan Pháp.

Số lượng trên 600 bộ quần áo được sản xuất để phục vụ bộ phim không phải là nhỏ đối với những bộ phim Việt Nam được sản xuất từ trước đến nay. Yêu cầu của kịch bản cũng như của tôi về phục trang của bộ phim này có thể còn nhiều hơn nữa nhưng trong hoàn cảnh cụ thể, tôi hoàn toàn hài lòng về phần chuẩn bị phục trang cho phim.

Còn những khó khăn mà Hiền đã đối diện và phải vượt qua?

Đỗ Thu Hiền: Số lượng phục trang trong phim lớn, trong lúc thời gian may chỉ có 25 ngày nên buộc phải chia nhỏ công việc cho nhiều đơn vị may mà vẫn phải đảm bảo sự thống nhất được phong cách, chất lượng của trang phục. Rồi việc sản xuất các đôi dép da trâu, mũ dẹt của lính thuộc địa, nón miền Trung, áo tơi và hàng trăm đôi guốc... Các cơ sở làm dép, guốc, nón... đã quen với việc làm những sản phẩm của thời bây giờ, tìm được cơ sở sản xuất những thứ phụ kiện đó không dễ. Phải thuyết phục khá mất công mới khiến họ làm theo mẫu vẽ của mình trong thời gian ngắn.

Một bộ phục trang của người Việt Nam đầu thế kỷ 20 rất nhiều chi tiết bao gồm khăn cuốn đầu, yếm, dây lưng, guốc, quần áo... mỗi lần phát phục trang cho quần chúng lại phải hướng dẫn họ cách mặc nên rất mất thời gian, mà có nhiều khi họ lại không làm đúng như mình hướng dẫn./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục