Siết chặt quản lý để bảo đảm an toàn thực phẩm

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định phải siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết.
Trong những tháng cuối năm, nguồn thực phẩm “bẩn” vẫn được tuồn ra thị trường, đang là nỗi lo thường trực của các đơn vị chức năng.

Chỉ đạo tại buổi làm việc về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp, chiều 6/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị cần khẩn trương giải quyết trước Tết đối với những vấn đề dư luận bức xúc nhất.

“Phải làm cấp tập để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Sang tháng 1, tôi sẽ bàn trực tiếp với các giám đốc sở về vấn đề quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm,” Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, không thể để tồn tại tình trạng các cơ sở giết mổ “loạn” như hiện nay, công khai bán giấy kiểm dịch, công khai bán kẹp chì… Vệ sinh trong giết mổ gia súc, gia cầm là vấn đề rất nhức nhối hiện nay, điều này thể hiện việc quản lý còn rất yếu kém, nếu không kiên quyết xử lý thì dịp Tết này sẽ "nở rộ" sai trái, bất kỳ chỗ nào cũng có thể “cắt tiết làm lông.”

Bộ trưởng đề nghị, các sở, các tỉnh cần tổng kiểm tra hoạt động thú y, xử lý nghiêm những trường hợp làm không đúng.

“Cơ sở có vi phạm sẽ bị ngừng hoạt động, hoặc cho lộ trình để đóng cửa. Nếu không nghiêm thì những cơ sở làm tốt sẽ không sống được, vì họ làm chuẩn hơn thì giá thành cao hơn,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, các lô hàng nội tạng động vật là do nhập lậu, bằng mọi con đường để vào Việt Nam, có thể trà trộn trong hàng tạm nhập tái xuất. Vì vậy, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị tìm hiểu lại hình thức tạm nhập tái xuất, trao đổi lại với Bộ Công Thương để có hình thức siết chặt.

Ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục thú y cho biết hiện mới có 33/63 tỉnh, thành đánh giá, phân loại cơ sở giết mổ. Qua kiểm tra 452 cơ sở giết mổ, cơ sở loại A chỉ chiếm có 4%; trong khi loại C chiếm tới gần 50%.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, nhiều tỉnh còn chưa có kế hoạch triển khai Thông tư 14 về kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Các cơ sở sản xuất vật tư dù đã thay đổi nhận thức, nhưng tỷ lệ xếp loại C, sai phạm có sửa chữa vẫn chiếm trên 40%.

Thời gian qua, các đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tiến hành kiểm tra một số loại thực phẩm, rau củ quả. Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối đã phối hợp với các địa phương, Hiệp hội chè Việt Nam kiểm tra 139/174 cơ sở chế biến chè tại 8 tỉnh, thành, lấy 24 mẫu chè gửi phân tích các chỉ tiêu về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiểm tra 26/36 cơ sở chế biến rau quả theo kế hoạch tại một số tỉnh phía Bắc, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, lấy 15 mẫu sản phẩm rau quả chế biến để gửi phân tích các chỉ tiêu về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Đối với sản phẩm động vật, Cục Chăn nuôi đã tổ chức 4 đoàn công tác, phối hợp với một số Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tình hình quản lý về chăn nuôi và kiểm tra thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi. Đoàn đã lấy 55 mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra; kết quả, không có mẫu thức ăn nào dương tính với nhóm chất cấm Beta agonist, 4 mẫu có chất lượng không đạt so với công bố tiêu chuẩn, 2 mẫu có hàm lượng kim loại nặng vượt quá ngưỡng quy định.

Trong tháng 11, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 470 quyết định, với tổng số tiền phạt là 1,33 tỷ đồng, chiếm tới gần một nửa số tiền xử phạt từ đầu năm đến nay. Hành vi bị xử phạt chủ yếu là không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất hàng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kém chất lượng, vi phạm nhãn mác hàng hóa.../.

Hoàng Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục