Kiểm tra và giám sát nhằm tránh "sốt" giá dịp Tết

Cục Quản lý thị trường chỉ đạo kiểm tra việc dự trữ hàng hóa cho dịp Tết tại doanh nghiệp, siêu thị nhằm tránh tình trạng "sốt" giá.
Từ ngày 15/12 đến 31/12, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã chỉ đạo các Chi cục quản lý thị trường địa phương kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tại các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại và chợ.

Việc kiểm tra này nhằm mục đích không để xảy ra tình trạng "sốt" giá, giám sát hành vi đầu cơ tăng giá, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến và lưu thông hàng hóa trên thị trường, phòng chống biểu hiện đầu cơ tăng giá, đẩy giá lên cao bất hợp lý.

Theo Cục Phó Cục Quản lý thị trường Nguyễn Mạnh Hùng, hiện thị trường đã vào dịp cuối năm, với nhu cầu tiêu dùng có xu hướng gia tăng so với các tháng khác. Bên cạnh đó là sự biến động mạnh về giá cả trên thị trường quốc tế, giá đầu vào của một số mặt hàng thiết yếu cho sản xuất như sắt thép, ximăng, nhiên liệu đều tăng hoặc diễn biến phức tạp. Đây là những nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá và khó khăn cho sản xuất, nhất là đời sống xã hội, người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua.

Do đó, trong đợt kiểm tra lần này, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Chi cục tiến hành kiểm tra về số lượng, chất lượng và giá cả hàng hóa; Công tác trang trí sắp xếp, bày bán hàng hóa, bảo đảm văn hóa, văn minh thương mại; Công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường khu vực kinh doanh.

Ông Hùng cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, Cục Quản lý thị trường sẽ theo dõi sát sao diễn biến thị trường, chấp hành và triển khai các Chỉ thị của Chính phủ nhằm ngăn chặn lạm phát và thiết lập sự bình ổn trên thị trường.

Ngoài ra, các đơn vị, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giải thích để người tiêu dùng biết là hiện nay các doanh nghiệp đã và đang làm tốt công tác tồn trữ hàng hóa phục vụ tết và lượng hàng rất dồi dào, bảo đảm cung-cầu trong thời gian tới.

Thông qua đợt kiểm tra lần này, các lực lượng kiểm tra kiểm soát sẽ chỉ đạo các đơn vị tham gia bình ổn hàng hóa tích cực hơn, chủ động kết hợp việc đưa hàng về nông thôn, tăng số điểm bán hàng bình ổn giá, làm chủ tình hình ở từng địa phương, cơ sở cụ thể.

Đặc biệt, Cục Quản lý thị trường còn xác định bình ổn thị trường là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành, từ đó thống nhất trong nhận thức và hành động để đạt hiệu quả tốt nhất./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục