Đề án tăng học phí của Hà Nội phải rút lại vì sơ sài

Đề án được chuẩn bị không kỹ, nội dung sơ sài, thiếu tính thuyết phục và chưa đánh trúng vấn đề bức xúc nhất của giáo dục Hà Nội.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dự kiến trình ra kỳ họp thứ 21 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa 13 Đề án "Thu, sử dụng học phí và một số khoản thu khác trong trường học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội," trong đó kiến nghị tăng học phí các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông.

Tuy nhiên, đề án này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận nên ngay trước thềm kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quyết định tạm dừng để hoàn chỉnh thêm.

“Số tiền học phí không lớn nhưng chính sự chuẩn bị không kỹ, nội dung sơ sài, thiếu tính thuyết phục và chưa đánh trúng vấn đề bức xúc nhất của giáo dục Hà Nội hiện nay đã làm cho đề án tăng học phí của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bị phản đối,” ông Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Cần sự chuẩn bị chu đáo hơn

Theo ông Nguyễn Bá Ân, về nguyên tắc, thu không đủ chi thì phải tăng thu, điều đó hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đề án học phí của Hà Nội đã quy một vấn đề mang tính xã hội cao thành một bài toán kinh tế đơn thuần. Việc triển khai đề án cũng chưa chu đáo dẫn tới thiếu tính thuyết phục.

Cụ thể, về mặt quy trình, trước khi đưa ra một giải pháp mới phải đánh giá lại các giải pháp cũ trong một quá trình để thấy được những ưu, nhược điểm, thấy đâu là yếu tố cản trở sự phát triển để từ đó đưa ra nhu cầu phải thay đổi.

Cũng cần phải chỉ ra sự thay đổi đó sẽ kích thích sự phát triển như thế nào. Tuy nhiên, đó chỉ là chiều thuận, phải đặt vấn đề ngược lại là những thay đổi đó sẽ có tác động tới các đối tượng xã hội khác nhau như thế nào.

Vấn đề học phí không chỉ tác động tới một nhóm mà toàn xã hội, từ người giàu đến người nghèo. Và vì là một vấn đề xã hội nên nếu làm nghiêm túc thì phải có điều tra xã hội học, phát phiếu hỏi tới các nhóm đối tượng khác nhau, từ người buôn bán, doanh nghiệp, công nhân viên chức tới nông dân.

Hà Nội tính thu nhập bình quân là 1.040.000 đồng một người một tháng. Con số này có thể không sai, nhưng phải tính đến Hà Nội có sự chênh lệch rất lớn về thu nhập giữa các nhóm đối tượng. Các doanh nghiệp có thể thu về tiền tỷ nhưng người nông dân lại chỉ có vài trăm nghìn đồng mỗi tháng.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng, số tiền tăng lên không phải quá lớn và không phải là nguyên nhân chính của việc người dân phản ứng với đề án này là sự thiếu tính thuyết phục. Mặc dù chưa đọc toàn văn đề án nhưng tôi nhận thấy nó sơ sài, biểu hiện của sự chuẩn bị không đầy đủ và vội vàng,” ông Ân nhận định.

Chưa giải quyết được gốc của vấn đề


Ông Ân cho rằng, nếu chỉ chăm chăm tăng học phí thì chưa giải quyết phần ngọn mà chưa động tới được gốc rễ của vấn đề.

Cụ thể, hiện giáo dục của Hà Nội có rất nhiều điều khiến người dân bức xúc như việc cơ sở trường lớp không đủ đáp ứng nhu cầu của người học trong khi dân số không ngừng tăng lên, vấn đề chất lượng giảng dạy… Hà Nội phải chỉ ra các giải pháp nào cho vấn đề này, trong đó tăng học phí chỉ là một giải pháp.

Đây cũng là ý kiến của Phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh. Là một người gắn bó cả đời với giáo dục, ông Cương cho rằng, thực ra, học phí vài chục nghìn là chuyện quá nhỏ, dù có tăng học phí lên đến 200.000 đồng một tháng cũng không phải là quá cao đến mức người dân không thể chi trả.

Thực tế, phụ huynh có quá nhiều khoản mà học phí đáng ra là khoản chính lại trở thành một khoản rất phụ. Bất kỳ ai có con em đi học đều thấy rằng mỗi tháng, số tiền cho con học tốn kém hơn thế gấp nhiều lần. Nào tiền học thêm, tiền quỹ phụ huynh, quỹ trường, tiền đóng góp lắp quạt, mua máy chiếu…

“Tôi kiến nghị đề án cần nêu rõ học phí là gì? Gồm những khoản nào? Dù có tăng lên nhưng phải đảm bảo rằng ngoài khoản đó ra, tôi không phải đóng thêm một khoản nào khác. Phải làm minh bạch về tài chính. Hiện các khoản thu của các trường rất tù mù nên người dân mất lòng tin,” ông Cương chia sẻ.

Đây có lẽ cũng là lý do khiến chị Lê Thị Tâm ở Hà Đông lại lo lắng việc tăng tiền học phí có thể sẽ kéo theo các khoản khác cũng tăng lên theo hệ thống dây chuyền.

Nhìn ở một góc độ khác, chị Nguyễn Thị Hồng, Gia Lâm, Hà Nội, cho rằng, mức tăng học phí như dự thảo của đề án không phải quá cao, nhưng người dân không tin tưởng với mức tăng đó sẽ nâng cao được chất lượng đào tạo cũng như hạn chế được những tiêu cực trong giáo dục hiện nay.

“So với khoản 600.000 đồng mỗi tháng cho con học thêm tiếng Anh ở trường thì vài chục nghìn chẳng đáng là bao. Nhưng liệu tăng lên như thế thì chất lượng dạy học có đảm bảo và con tôi có tiếp tục phải đi học thêm không?” chị Hồng băn khoăn.

“Thà cứ tăng học phí lên, nâng đời sống giáo viên lên để họ yên tâm giảng dạy còn hơn là phải chèn ép học sinh học thêm, trường dở đủ trò để thu tiền, làm khổ cả thầy, cả trò, cả phụ huynh,” chị Hồng bức xúc./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục