Hy Lạp đã nhận khoản tiền cứu trợ đầu tiên của IMF

Hy Lạp đã nhận được 5,5 tỷ euro từ gói cứu trợ khẩn cấp của IMF và hy vọng sẽ được nhận thêm 14,5 tỷ euro vào đầu tuần tới.
Ngày 12/5, Hy Lạp đã nhận được 5,5 tỷ euro từ gói cứu trợ khẩn cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trở thành nước đầu tiên trong Eurozone buộc phải nhờ tới sự viện trợ của thể chế tài chính này.

Theo một quan chức Bộ Tài chính Hy Lạp, chính phủ nước này hy vọng sẽ được nhận thêm 14,5 tỷ euro trong gói cứu trợ của EU vào đầu tuần tới.

Khoản vay nói trên được rút trong bối cảnh hàng nghìn người dân Hy Lạp đang biểu tình trên các đường phố Athens phản đối thỏa thuận của chính phủ trong việc cắt giảm mạnh ngân sách để đổi lấy gói cứu trợ khổng lồ trị giá 110 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF.

Đối mặt với các khoản nợ ngày càng phình căng và những rối loạn trên các thị trường tài chính vốn đe dọa sẽ "nhấn chìm" các nền kinh tế khác, vào đầu tháng này, Hy Lạp đã được bật đèn xanh trong việc tiếp cận gói giải cứu tài chính lớn chưa từng có.

Phát biểu tại phiên họp nội các, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đánh giá gói cứu trợ này là một thành công lớn đối với Athens, đồng thời khẳng định đại đa số người dân đã chấp nhận các biện pháp "kham khổ" mặc dù họ không cảm thấy dễ chịu.

Gói hỗ trợ mà EU và IMF dành cho Hy Lạp đã làm mất lòng tin của giới đầu tư vào các nền kinh tế yếu hơn ở Eurozone và buộc các nhà lãnh đạo EU hôm 10/5 đã phải nhất trí thành lập quỹ chống khủng hoảng với quy mô lên tới 750 tỷ euro để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi cơn bão nợ ở Hy Lạp.

Hy Lạp đặc biệt cần tới khoản tiền này bởi Athens đã bị loại khỏi các thị trường nợ quốc tế khi các nhà đầu tư đòi phải có lãi suất thật cao mới cho vay và nước này hiện cần 9 tỷ euro để trả hết các khoản nợ đáo hạn vào ngày 19/5 tới.

Trong khi đó, theo ước tính sơ bộ của cơ quan thống kê nhà nước Hy Lạp, đà suy giảm kinh tế của nước này đã chững lại, khi mức giảm trong quý 1/2010 là 0,8%, giống với thời điểm quý 4/2009, chủ yếu nhờ các biện pháp cải cách nhằm kiềm chế các thị trường chợ đen.

Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" sẽ đẩy Hy Lạp lún sâu hơn vào suy thoái và kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế, nhưng nhiều người khác cho rằng những cải cách đang được ban hành, như cải tổ hệ thống hưu trí, là cần thiết.

Bộ trưởng Lao động Hy Lạp Andreas Loverdos nhận định hệ thống hưu trí của nước này sẽ "sụp đổ" vào năm 2015 nếu không có biện pháp cải tổ nào được thực hiện./.

Phương Thảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục