Khi các tuần lễ văn hóa “bắc cầu” hữu nghị

Từ đầu năm tới giờ, đã có hàng chục Tuần lễ văn hóa Việt Nam, Tuần lễ Việt Nam, Tuần lễ ẩm thực Việt Nam… được tổ chức rải khắp các châu lục, Âu có, Á có, các nước cận kề Việt Nam cũng có, mà cả các nước xa tới cả "một vòng trái đất" cũng có. Phải ghi nhận giá trị quảng bá, ý nghĩa ngoại giao của các tuần lễ văn hóa. Tuy nhiên, cũng không phải không có những chuyện nên bàn....
Từ đầu năm tới giờ, đã có hàng chục Tuần lễ văn hóa Việt Nam, Tuần lễ Việt Nam, Tuần lễ ẩm thực Việt Nam… được tổ chức rải khắp các châu lục, Âu có, Á có…, các nước cận kề Việt Nam cũng có, mà cả các nước xa tới cả "một vòng trái đất" cũng có.

Phải ghi nhận giá trị quảng bá, ý nghĩa ngoại giao của các tuần lễ văn hóa. Tuy nhiên, cũng không phải không có những chuyện nên bàn....

Mang áo dài, nón lá, phở và nem… ra xứ người!

Mới đây nhất, là dịp kỷ niệm 64 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, khá nhiều các tuần lễ văn hóa đã được tổ chức. Ngày 3/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Bảo tàng quốc gia Seoul đã phối hợp tổ chức Tuần lễ văn hóa Việt Nam mang tên "Good morning Vietnam" tại Bảo tàng quốc gia.

Như đánh giá của Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Hàn-Việt, Giáo sư Cho Jae Hyun thì hoạt động giao lưu văn hóa này sẽ giúp quảng bá văn hóa Việt Nam tới quảng đại công chúng Hàn Quốc. Đây cũng là cơ hội cho những người Việt Nam đang sinh sống ở Hàn Quốc có cơ hội cảm nhận về cội nguồn, thúc đẩy tình yêu nước, hướng về quê hương.

Trong khuôn khổ Tuần văn hóa, nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa Việt Nam đã được tổ chức như triển lãm ảnh về đất nước và con người Việt Nam, công chiếu các phim Việt Nam tiêu biểu như "Mùa len trâu", "Mê Thảo", "Chuyện của Pao", "Rừng đen" và "Ba mùa".

Ngoài ra, là phần trình diễn thời trang với tà áo dài Việt Nam (phần chưa bao giờ thiếu trong các tuần lễ văn hóa) với sự hiện diện của 3 bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Lan Hương. Mỗi tà áo là một bức tranh, một tác phẩm nghệ thuật và có lẽ vì vậy người dân Hàn Quốc, quốc gia đã có một nền công nghiệp phát triển không thể không trầm trồ khi biết rằng tất cả những họa tiết thêu trên áo dài đều do những người thợ từ các làng nghề của Việt Nam thêu tay…

Sớm hơn một chút, cuối tháng 8 đầu tháng 9, Tuần lễ Văn hóa Việt Nam 2009 diễn ra tại Lào đã mang đến các chương trình nghệ thuật, triển lãm, chiếu phim, phần trình diễn của Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam… Tất cả đã góp phần giới thiệu đến các bạn Lào về đất nước, con người, nền văn hóa và những danh lam thắng cảnh của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển!

Còn một phần không thể thiếu trong các tuần lễ văn hóa là sự hiện diện của các món ăn dân tộc 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam như phở, nem rán, bún bò Huế, phở cuốn, bún thang, bánh tráng...

Tất nhiên, phở và nem luôn là những món ăn được ưa thích nhất tại bất cứ đâu, dù là các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào; hay những đất nước xa xôi như Nga, Đức, Pháp… Nhìn những dòng người nước ngoài xếp hàng chờ ăn phở, ăn nem… lóng ngóng cầm đũa, rồi hít hà cái mùi thơm vô cùng đặc trưng của món ăn Việt mà thấy cảm động và hãnh diện về đất nước mình.

Lấy hai "ví dụ" gần nhất để "chứng minh" một mô típ chung của tuần lễ văn hóa được tổ chức tại các nước trên thế giới: Bản "hòa ca" của điện ảnh Việt Nam, âm nhạc dân tộc Việt Nam, áo dài truyền thống Việt Nam, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và món ăn dân tộc 3 miền của Việt Nam.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi đó là những nét đặc sắc nhất của văn hóa Việt Nam, xứng đáng để "đem chuông đi đấm xứ người". Và trên thực tế, đúng là những "sản phẩm văn hóa" này đã luôn chinh phục được người xem ở các nước sở tại, gây được ấn tượng tốt về một Việt Nam giàu truyền thống văn hóa, một xứ sở rất đáng để đến và khám phá.

Cần "nâng tầm" cho sự kiện

Không thể phủ nhận sức "thuyết phục" của những tuần lễ văn hóa này trong việc kéo gần khoảng cách cả về không gian, thời gian… giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Văn hoá luôn có tiếng nói riêng của nó để tìm tới trái tim của những người bạn!

Thế nhưng, các nhà tổ chức nên chăng cần tìm một cách thức tổ chức mới sao cho tuần lễ văn hóa trở nên phong phú, hấp dẫn và đa sắc hơn. Bởi, hầu hết các tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài đều được tổ chức theo một khuôn mẫu quá "chặt". Lần nào cũng là áo dài truyền thống, cũng là dàn nhạc dân tộc, cũng là đồ thủ công, mây tre, cũng là tranh cát, tranh Đông Hồ, cũng là nem, là phở… Hoặc cũng là phim Việt Nam, mà lại ít có phim mới (có những bộ phim đã đạt kỷ lục tham gia tuần văn hóa).

Cứ mãi mãi một mô hình như vậy, có thể là mới ở mỗi đất nước khác nhau, nhưng sẽ không còn là mới ở một đất nước, nhất là khi chúng ta đã tổ chức tuần văn hóa Việt Nam tới mức là thường niên tại một quốc gia. Làm như vậy, sẽ khiến hiệu quả của hoạt động này giảm đi khá nhiều.

Không ít người dân bản địa tới tham dự tuần văn hóa tâm sự: Vẫn chỉ có thế! Đến chỉ vì nhớ Việt Nam, yêu Việt Nam, muốn có cơ hội giao lưu, gần gũi với người Việt Nam; chứ họ không còn cảm giác thích thú khi phải xem mãi, ngắm mãi, thưởng thức mãi những thứ quen thuộc.

"Có những tuần văn hóa có chương trình ca nhạc với sự góp mặt của toàn những ca sĩ tên tuổi nhưng tuần văn hóa nào cũng gặp những ca sĩ đó thì không còn gì là thú vị nữa" - một sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản tâm sự như vậy khi dự Tuần văn hóa Việt Nam năm 2008.

Cũng có thể thông cảm với những nhà tổ chức là mỗi lần đi "đấm xứ người", họ phải chọn những gì là đặc sắc nhất, đặc trưng nhất của văn hóa Việt, con người Việt. Nhưng giá như có những "biến tấu" trong các tuần văn hóa thì sẽ không có cảm giác lặp lại và nhàm chán như vậy với những người trung thành với các tuần văn hóa.

Bên cạnh đó, không phải đối tượng nào cũng hiểu rõ ý nghĩa quảng bá của tuần văn hóa. Nhiều đơn vị, có lẽ là tại lần đầu tham dự tuần văn hóa, đã chỉ có mỗi một mong muốn… bán được hàng, mà không quan tâm nhiều tới việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình, cũng như hiểu rằng - mình hiện diện ở đây, không phải là cho cá nhân mình, mà vì "màu cờ sắc áo" của Việt Nam.

Tương tự như vậy, việc thiếu những tờ rơi, những catalog giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là những tờ rơi, catalog bằng tiếng bản địa đã khiến giá trị của tuần văn hóa giảm đi khá nhiều. Nên chăng, có sự đầu tư hơn nữa về những ấn phẩm này, nhằm giúp mỗi vị khách nước ngoài… khi đến với tuần văn hóa đều hiểu và yêu hơn đất nước và con người Việt Nam./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục