TP.HCM: Đối mặt với nguy cơ thịt lợn tai xanh

Trước tình hình dịch lợn tai xanh lan rộng, TP.HCM với hơn 8 triệu dân có nguy cơ trở thành nơi tiêu thụ thịt lợn nguy hiểm này.
Trước tình hình dịch lợn tai xanh đã lan rộng và đang bùng phát ở 13 tỉnh miền Bắc, miền Trung, Thành phố Hồ Chí Minh với hơn tám triệu dân có nguy cơ trở thành một thị trường tiêu thụ nguồn thịt lợn nguy hiểm này.

Nguy cơ lợn bệnh từ các chợ tự phát

Theo nhận định của cơ quan thú y, do giá thịt lợn ở Thành phố Hồ Chí Minh đang ở mức cao hơn so với giá thịt lợn ở các nơi khác nên khó tránh khỏi nguồn thịt lợn từ các vùng có dịch vận chuyển vào thành phố.

Trong thời gian qua, đoàn Thanh tra của Chi cục Thú y thành phố đã phát hiện, lập biên bản và tiêu hủy một lượng lớn lợn không có nguồn gốc, xuất xứ và giấy kiểm dịch.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trung bình một ngày thành phố tiêu thụ khoảng 7.400-7.600 con lợn từ 40 tỉnh, thành khác nhau, tập trung tại bốn lò mổ lớn ở quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, quận 12 và lò mổ Hóc Môn-Củ Chi.

Trong khi đó, từ đầu tháng Năm đến nay, lượng lợn từ miền Bắc và miền Trung nhập về Thành phố Hồ Chí Minh theo Quốc lộ 1A từ 1.120-1.870 con/tuần, chiếm gần 3,6% số lợn cung cấp cho thành phố. Số lợn này được thương lái đưa về các lò mổ trên, sau đó được bày bán khắp các chợ.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch lợn tai xanh tại các lò mổ lớn, Chi cục đã thực hiện tốt công tác kiểm dịch và phòng chống lợn tai xanh ở ba khâu gồm ngăn chặn, tiêu độc và an toàn sinh học.

Tuy nhiên, khó khăn nhất trong công tác kiểm dịch lợn tai xanh hiện nay là các bầy lợn thịt từ vùng bệnh được đưa sang các tỉnh không có dịch để xuất giấy đã kiểm dịch an toàn. Tình trạng này khiến thú y thành phố không thể xác minh được nguồn gốc và đây chính là nguy cơ lợn tai xanh có khả năng “lọt” vào thành phố.

Hiện nay, thịt lợn được bày bán tại một số chợ tự phát, lòng lề đường trên địa bàn thành phố thường có giá thấp hơn so với các chợ chính. Điều này đã khiến các cơ quan chức năng e ngại về nguồn thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ được trà trộn vào các chợ này.

Đây là điều dễ dẫn đến nguy cơ phát sinh dịch tai xanh. Bởi hiện nay, ngoài hơn 310 chợ chính được niêm yết giá, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm, thành phố còn có hàng ngàn chợ tự phát mà lực lượng chức năng khó có thể kiểm tra.

Lâu nay, việc kiểm tra các loại gia súc, gia cầm được bày bán ở những “chợ trời,” chợ tự phát được giao cho lực lượng địa phương, nhưng lực lượng này vừa thiếu lại yếu nên không đủ sức xử lý.

Bên cạnh đó, cũng không loại trừ việc một số thương lái có thể vì hám lợi đã mua lợn ở những vùng dịch, rồi xin thủ tục kiểm dịch ở một địa phương không nằm trong vùng dịch để dễ dàng vận chuyển vào thành phố.

Tại các khu chợ tự phát như khu công nghiệp Linh Trung ở Thủ Đức; Bình Đường ở tỉnh Bình Dương; chợ tự phát gần chợ Bà Chiểu, Thị Nghè, Hùng Vương ở Bình Thạnh tình trạng mua bán thịt gia cầm sống, thịt lợn không đóng dấu kiểm dịch vẫn được bày bán tràn lan.

Đại diện Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai cho biết: chợ hoạt động tự phát, không cố định và không đảm bảo vệ sinh.  Do hầu hết các chợ tự phát đều lấy sản phẩm không rõ nguồn gốc và bán với giá rẻ nên hoàn toàn có khả năng sẽ là  thị trường tiêu thụ lợn tai xanh.

Khó quản lý nguồn lợn bệnh

Mặc dù đến nay Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa phát hiện ổ dịch lợn tai xanh nào, nhưng trước tình hình dịch lợn tai xanh đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, thành phố cũng đang ráo riết đẩy mạnh công tác phòng chống dịch, nhằm ngăn chặn nguồn bệnh phát sinh từ bên trong lẫn bên ngoài.

Theo ông Phan Xuân Thảo, để có thể kiểm soát nguồn lợn tai xanh tràn vào thành phố, Chi cục Thú y thành phố đã thành lập bốn đoàn kiểm tra phòng chống dịch gồm lực lượng thú y, thanh niên xung phong, chi cục quản lý thị trường và lực lượng cảnh sát.

Theo quy định, tất cả các xe vận chuyển lợn đều phải nghiêm túc thực hiện phun thuốc khử trùng và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa lợn vào thành phố.

Tuy nhiên, trên thực tế việc chẻ nhỏ số lượng thịt lợn giết mổ không qua kiểm dịch thịt lợn nhiều con đường và với lực lượng cán bộ thú y quá mỏng nên tình trạng các loại lợn kém chất lượng “tuồn” vào các chợ trong một thời gian dài, không ngăn chặn được triệt để là điều dễ hiểu.

Điển hình như ngay trước cổng chính vào chợ đầu mối Bình Điền vẫn có một cán bộ thú y chốt chặn. Tuy nhiên, chỉ cách cổng chính khoảng 20m, hàng loạt các điểm bán gia cầm sống “nhởn nhơ” mà không bị bất cứ lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xử lý.

Còn tại một số chợ lẻ khác, lực lượng thú y cũng chỉ kiểm tra vào trước tám giờ sáng trong khi lượng thịt lợn đưa vào chợ sau thời gian này, khó có thể kiểm soát.

Mặt khác, trong thời gian qua, tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm vào thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ và thường xuyên khiến nguy cơ các dịch bệnh tai xanh và các dịch bệnh khác lây lan tới Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều đáng nói là tình trạng các chợ tự phát vẫn tồn tại, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và sẽ là một nơi tiêu thụ lợn bệnh (nếu có). Vấn đề đặt ra là không chỉ thành lập lực lượng phòng dịch mà phải đồng thời giải quyết tận gốc chợ tự phát, chặn đứng đường tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng.

Để thực hiện được việc này không chỉ có cơ quan chức năng là Chi cục Thú y mà phải có sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp, như thế mới mong thịt nhiễm bệnh không xuất hiện tại bếp ăn của người dân./.

Đ.Phương-H.Tuyết (Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục