Tăng đầu tư vốn ra nước ngoài - tại sao không?

Trước băn khoăn các doanh nghiệp Việt Nam có nên tăng đầu tư vốn ra nước ngoài, Cục trưởng Phan Hữu Thắng giải đáp bằng câu hỏi: Tại sao không?
Có nhiều ý kiến băn khoăn rằng trong thời điểm đang phải tập trung mọi nguồn lực để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế trong nước thì các doanh nghiệp Việt Nam có nên tăng tốc đầu tư vốn ra nước ngoài. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Phan Hữu Thắng đặt câu hỏi: Tại sao không?

Thưa ông, cho đến nay các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vốn vào bao nhiêu quốc gia và vùng lãnh thổ?

Tính gộp cho đến hết tháng 5 vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang 48 nước và vùng lãnh thổ gần 370 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5.161 tỷ USD.

Lĩnh vực thu hút nhiều vốn từ Việt Nam nhất là công nghiệp và xây dựng (155 dự án, vốn đăng ký gần 4,2 tỷ USD); tiếp đến là nông lâm nghiệp và dịch vụ.

Còn xét theo vị trí địa lý thì thị trường Lào thu hút được nhiều vốn của các doanh nghiệp Việt Nam hơn cả. Malaysia, Algieri, Campuchia, Madagascar đang giữ các vị trí tiếp theo.

Có thể nói từ năm 2008 trở lại đây, đầu tư ra nước ngoài đã trở thành một xu thế khá mạnh mẽ, cho thấy tầm nhìn xa trông rộng và sự trưởng thành đáng kể của các doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược kinh doanh.

Đặc biệt, đầu tư ra nước ngoài đã chuyển từ những dự án quy mô nhỏ đầu tư vào các ngành nghề đơn giản (mở nhà hàng ăn uống, kinh doanh sản phẩm chè, càphê Việt Nam) sang các dự án quy mô lớn đầu tư vào các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao, vốn lớn như thăm dò khai thác dầu khí, sản xuất điện năng...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đã khá năng động trong việc tìm ra các “thị trường ngách” ở các nước và vùng lãnh thổ lớn; khéo tìm ra những thị trường mới nổi, khéo huy động nhiều nguồn vốn đầu tư.

Không ít doanh nghiệp Việt đã “mang chuông” đi đánh rất xa?

Đúng vậy, hầu như ở tất cả các châu lục đều đã có các khoản đầu tư của doanh nghiệp nước ta. Thậm chí, ngay cả những quốc gia và vùng  lãnh thổ vốn là các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ... cũng là “điểm đến”. Đây là việc rất bình thường trong sản xuất kinh doanh. Vấn đề là có dự án tốt và quản lý tốt.

Dự báo trong một vài năm tới đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 500 triệu USD, và nếu nền kinh tế hồi phục tốt, rất có thể trong 5 đến 10 năm nữa, hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ “bùng nổ” ở Việt Nam.

Những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài?


Có thể nói là các doanh nghiệp Việt Nam cũng mới chỉ bước qua giai đoạn thăm dò thị trường, còn nhiều bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp ta cũng còn hạn chế; các cơ quan đại diện ở nước ngoài cũng chưa hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp; đa phần doanh nghiệp đều phải tự xoay xở.

Công tác dự báo thị trường thế giới cũng chưa có tầm nhìn xa để giúp doanh nghiệp định hướng đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 78/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam (ban hành ngày 09/9/2006), dự kiến từ nay đến cuối năm trình Chính phủ ban hành để tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho hoạt động này theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép đầu tư, kể cả đối với doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước để đầu tư.

Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài (tôi được biết Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ để có thể cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài vay vốn ưu đãi).

Một số quy định về quản lý ngoại hối cũng cần được xem xét sửa đổi để dòng tiền ra, tiền vào thuận lợi. Bộ cũng đang nghiên cứu đề xuất đề tài nghiên cứu cách thức quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài hiệu quả hơn.

Có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ ngăn chặn suy giảm kinh tế trong nước còn rất nặng nề thì hoạt động đầu tư ra nước ngoài có thể làm phân tán nguồn lực?

Tại sao không nhìn vấn đề từ khía cạnh đầu tư ra nước ngoài trong nhiều trường hợp chính là cách tạo tiền đề, cơ sở cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu ở trong nước? Nền kinh tế có đà tăng trưởng trong nhiều năm qua đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tài chính cũng như kinh nghiệm để đầu tư ra nước ngoài.

Quá trình đầu tư ra nước ngoài còn giúp cho doanh nghiệp trưởng thành lên rất nhiều, nắm bắt được những cơ hội tốt ở thị trường bạn; đồng thời cũng là cách đa dạng hóa đầu tư, chia sẻ bớt rủi ro theo cách mà các nhà kinh tế thường nói là “không nên bỏ hết trứng vào một giỏ”.

Hãy xem trường hợp của Hàn Quốc, năm 1997, Hàn Quốc chịu ảnh hưởng rất nặng nề của khủng hoảng tài chính, nhưng họ vẫn kiên trì đường hướng đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài và thực tế chứng tỏ đó là một lựa chọn đúng đắn, giúp nước này hồi phục rất nhanh sau khủng hoảng.

Xin cảm ơn ông!./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+ 
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục