Thủ tướng Thái yêu cầu "áo đỏ" ngừng biểu tình

Ông Abhisit yêu cầu người biểu tình chống chính phủ đến ngày 10/5 phải đưa ra "câu trả lời rõ ràng" về việc chấm dứt biểu tình.
Ngày 9/5, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã yêu cầu những người biểu tình chống chính phủ đến ngày 10/5 phải đưa ra "câu trả lời rõ ràng" về việc chấm dứt các hoạt động biểu tình của họ tại thủ đô Bangkok.

Phát biểu trên một kênh truyền hình quốc gia, Thủ tướng Abhisit nêu rõ phe "áo đỏ" phải nhanh chóng dừng biểu tình "vì những lý do an toàn", và cho rằng những người biểu tình cần đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc hợp tác nhằm thực hiện kế hoạch hòa giải.

Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan cũng cảnh báo tình trạng bạo lực có thể gia tăng nếu những người biểu tình không chấm dứt hoạt động của họ.

Thông điệp cảnh báo được đưa ra hôm 8/5 sau hàng loạt vụ tấn công khiến hai cảnh sát thiệt mạng và 13 người bị thương, làm dấy lên mối lo ngại sẽ phá vỡ kế hoạch hòa giải của chính phủ với những người biểu tình nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng chính trị ở Thái Lan.

Trước đó, phe "áo đỏ" nói họ nhất trí về nguyên tắc đề xuất của Thủ tướng Abhisit giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử, song muốn ông Abhisit đưa ra lộ trình chi tiết cho tiến trình này.

Theo đánh giá của giới phân tích, cho biết Thủ tướng Abhisit đang đối mặt với thách thức trong việc thuyết phục các đảng phái chấp nhận vấn đề sửa đổi Hiến pháp được nêu trong lộ trình hòa giải năm điểm.

Hiện nay, nội dung sửa đổi Hiến pháp được xem là rào cản đối với triển vọng thực hiện kế hoạch của Thủ tướng Abhisit.

Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) phản đối đề xuất sửa đổi Hiến pháp và ân xá cho những chính trị gia đang bị cấm hoạt động, cho rằng những chính khách đã gian lận trong bầu cử cần được gạt ra khỏi hoạt động chính trị Thái Lan. Nếu những người này dính líu đến tham nhũng thì phải bị trừng trị.

Trong khi đó, đảng Puea Thai đối lập phản đối đề xuất sửa đổi Hiến pháp, đòi khôi phục lại Hiến pháp năm 1997.

Các đảng nhỏ trong chính phủ liên hiệp ủng hộ ý kiến khôi phục quyền chính trị cho cho những chính trị gia đang bị cấm hoạt động và sửa đổi điều 94 (của Hiến pháp) để thay đổi hệ thống bầu cử.

Đảng Dân chủ của Thủ tướng Abhisit cũng không muốn sửa đổi điều 237 liên quan đến quy định giải tán các đảng chính trị, mặc dù ông Abhisit để ngỏ khả năng khôi phục quyền cho những chính trị gia đang bị cấm hoạt động sau khi các đảng của họ buộc phải giải tán.

Theo điểm 5 của lộ trình hòa giải, các bên cần thảo luận về quy chế sửa đổi Hiến pháp và các luật lệ để giải quyết vấn đề bất công chính trị.

Giới quan sát nhận định cho dù con đường hướng tới hòa giải dân tộc còn nhiều gian nan, song ít nhất đó cũng là một sự khởi đầu và là bằng chứng cho thấy một giải pháp cho một cuộc xung đột có thể đến từ thương lượng hơn là qua sử dụng vũ lực và bạo lực. /.

(TXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục