Nâng tầm Hoa Đà Lạt

Hoa Đà Lạt - Làm sao để nâng tầm thương hiệu?

Hiện lợi nhuận nghề trồng hoa ở Đà Lạt được tính trên từng mét vuông, đủ để nói lên đây là nghề kinh doanh siêu lợi nhuận.
Đà Lạt, Lâm Đồng - thành phố sương mù huyền diệu không chỉ nổi tiếng bởi cao nguyên xanh với thông rừng cùng những thiên đường nghỉ dưỡng tuyệt đẹp, mà còn làm xuyến xao lòng người bởi thế giới hoa muôn ngàn sắc màu hiếm thấy khiến du khách như lạc vào xứ sở thần tiên.

Tại khu Triển lãm hoa của các doanh nghiệp nước ngoài nhân sự kiện Festival Hoa Đà Lạt năm 2010, ông James Paul, một du khách Australia hào hứng chia sẻ: “Nhiều năm rồi, giờ trở lại Đà Lạt, tôi thực sự ngỡ ngàng bởi cảnh sắc và con người nơi đây.

Những tưởng với tốc độ đô thị hóa, Đà Lạt - xứ hoa sẽ không còn như mơ, vậy mà không chỉ được thưởng ngoạn một cách lý thú tôi đã tìm được một cơ hội hợp tác về phân phối và nhân giống hoa tuyệt vời”.

Nhìn vào giá trị kinh tế

Nghề trồng hoa ở Đà Lạt có từ bao giờ, ít ai nhớ. Chỉ biết hơn một thế kỷ được đặt tên, giờ đây Đà Lạt đã có hơn chục làng hoa nổi tiếng như Vạn Thành, Hà Đông, Xuân Thành - Xuân Thọ, Đa Thiện, Thái Phiên, An Sơn cung cấp hàng ngàn giống hoa ôn đới, bán ôn đới và các giống hoa đặc hữu chỉ có tại Đà Lạt.

Nhiều loài hoa có giá trị kinh tế lớn như lys, địa lan, cát tường không những tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước mà còn nhận được sự ưu ái đặc biệt của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Bỉ, Singapore.

So với các giống cây trồng khác được tính bằng đơn vị hecta, giá trị kinh tế của nghề trồng hoa được tính trên mét vuông, đủ để nói lên đây là nghề kinh doanh siêu lợi nhuận và doanh thu hàng năm của mỗi nông hộ có thể lên tới hàng tỷ đồng.

Trên diện tích trồng 3.500ha, sản lượng hoa xuất khẩu năm 2009 của toàn tỉnh Lâm Đồng đạt trên 110 triệu cành, thu về 13 triệu USD, tăng gần 30% so với năm 2008.

Thành phố Đà Lạt chiếm gần 40% diện tích sản xuất và 50% sản lượng hoa của cả tỉnh, đóng góp chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các mô hình hợp tác giữa nông hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn trong nước.

Các tên tuổi lớn như Dalat Hasfarm, Boniefarm, Việt Nam Thành Công, Hoa lan Lâm Thăng, Hiền Hòa, Sakimco, Rừng Hoa có doanh thu đạt từ 2-2,5 tỷ đồng/ha/năm.

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp địa phương tích cực triển khai ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất hoa quy mô lớn.

Các phương thức canh tác truyền thống như trồng hoa ngoài trời được chuyển sang trồng hoa chậu, hoa cắt cành trong các nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm, màng phủ công nghiệp, nhân giống bằng nuôi cấy mô nâng cao hiệu quả kinh tế, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng sản lượng và chất lượng hoa nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, mỗi năm Đà Lạt cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu hơn 10 triệu cây hoa giống, công nghệ nuôi cấy mô không những mang lại nhiều nguồn giống sạch bệnh và đa dạng về chủng loại, màu sắc mà còn tạo ra sản phẩm có giá thành rẻ bằng 1/3 so với giống nhập khẩu.

Chính quyền địa phương cũng ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho nghề trồng hoa phát triển như khảo nghiệm giống hoa mới, giống hoa hoang dại; sản xuất cây giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô; xúc tiến thương mại; tổ chức các kỳ festival Hoa.

Tiến sỹ Phạm S, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng, cho biết, Đà Lạt hiện có tới 16 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hoa quy mô lớn, đạt trình độ công nghệ cao cấp khu vực, có quầy trưng bày sản phẩm tầm cỡ khu vực, nhờ đó mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường quốc tế.

Giải pháp nâng cao thương hiệu

Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực và phát triển ngành hoa Đà Lạt-Lâm Đồng” tổ chức sáng 3/1 trong khuôn khổ Festival Hoa 2010 với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, quản lý nhà nước, doanh nhân ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoa trong và ngoài nước.

23 bản tham luận tại hội thảo đã phân tích các khía cạnh khác nhau liên quan đến ngành kinh doanh hoa Đà Lạt như: quy hoạch vùng trồng hoa, ứng dụng khoa học công nghệ, tìm kiếm thị trường mới.

Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt Trần Huy Đường cho biết, 15 năm trước, Đà Lạt chỉ có 120 ha trồng hoa cắt cành chủ yếu là lay ơn, hoa hồng, đồng tiền... với sản lượng chỉ khoảng 40 triệu cành.

Nay hơn 2.000ha đã được đưa vào quy hoạch trồng hoa, sản lượng xấp xỉ đạt 1 tỷ cành/năm với hàng trăm giống hoa mới đủ chủng loại. Và câu chuyện thu nhập 100 - 200 triệu đồng/ha/năm đối với các hộ trồng hoa không còn hiếm.

Trong xu thế hội nhập và tăng cường hợp tác phát triển, nghề trồng hoa tại Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung còn đang vướng phải nhiều bất cập như diện tích canh tác nhỏ lẻ; thiếu chủ động nguồn giống; kỹ thuật nuôi trồng còn thiếu căn bản.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng than phiền, rõ ràng việc củng cố, nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu cho hoa Đà Lạt vẫn chưa được coi trọng khi thực tế chỉ có 20 nhãn hiệu mới được đăng ký bảo hộ trên tổng số hàng nghìn nông hộ và doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh hoa trên toàn tỉnh Lâm Đồng.

Đề cập tới những giải pháp nhằm xây dựng ngành trồng hoa Đà Lạt phát triển theo hướng bền vững trong giai đoạn 2010-2020, nhiều chuyên gia canh nông cho rằng, đã tới lúc cần phải có một chiến lược phát triển ngành hoa đồng bộ và quy hoạch chi tiết các vùng chuyên canh theo hướng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Đồng thời cần thêm những chính sách bảo hộ về thương hiệu, thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định để người nông dân trồng hoa tin tưởng vào triển vọng phát triển của nghề.

Các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cần được ưu tiên đặc biệt tạo điều kiện cho người trồng hoa trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường và tiếp cận với các cơ hội hợp tác giao thương quốc tế.

Tất cả đều nhằm một mục đích khẳng định thương hiệu Hoa Đà Lạt - sản phẩm chiến lược của xứ sở ngàn hoa./.

Ngọc Quỳnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục