"Thanh tra an toàn thực phẩm còn yếu và thiếu"

Thảo luận dự Luật An toàn thực phẩm, các đại biểu Quốc hội cho rằng thanh tra an toàn thực phẩm còn yếu và thiếu, đặc biệt ở địa phương.
Thảo luận về dự thảo Luật An toàn thực phẩm tại hội trường, sáng 1/6, các đại biểu Quốc hội cho rằng công tác thanh tra an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn yếu và thiếu, đặc biệt ở địa phương.

Từ thực tiễn giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp 5 vừa qua về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm từ 2004 - 2008,” các đại biểu Quốc hội cho rằng các văn bản luật ban hành gần đây đều quy định việc thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, nhưng trên thực tế việc thực thi pháp luật về thanh tra còn có nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và thẩm quyền xử lý vi phạm...

Đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) nhấn mạnh cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về thanh tra, tạo điều kiện cho thanh tra có cơ sở pháp lý để hoạt động hiệu quả, đảm bảo đủ số lượng. Cùng với tăng cường hiệu quả trong công tác thanh tra, cần sửa đổi các quy định về an toàn thực phẩm theo hướng tăng nặng, đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Đại biểu Hằng cho rằng, mức phạt tiền quy định như trong dự thảo vẫn còn thấp, nhiều cá nhân, hộ, doanh nghiệp sau khi bị xử phạt lại tiếp tục vi phạm; cần nâng mức phạt tối thiểu lên 10 lần, tối đa lên hàng trăm lần…

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) bày tỏ đồng tình với quy định về thanh tra tại điều 66 dự thảo luật là phù hợp, theo đó thanh tra về an toàn thực phẩm là thanh tra chuyên ngành. Thanh tra an toàn thực phẩm do ngành y tế, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Chính phủ quy định việc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm của các bộ, cơ quan ngang bộ với một số lực lượng khác trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cũng trong phiên thảo luận sáng 1/6 về dự Luật An toàn thực phẩm, các đại biểu Quốc hội còn quan tâm cho ý kiến  khác nhau về quản lý đối với thực phẩm được sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ; hạn sử dụng thực phẩm; quy định ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cho rằng cần có quy định cụ thể đối với bao bì, nhất là đối với loại bao bì gây độc hại cho sức khỏe; cần quan tâm đến chất lượng bao bì chứ không chỉ chất lượng thực phẩm, cần bổ sung quy định cấm sử dụng bao bì gây ảnh hưởng độc hại cho thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng.

Theo đại biểu Mai, cần có hệ thống quản lý đồng bộ, chặt chẽ đảm bảo mỗi sản phẩm có mặt trên thị trường có sự quản lý của nhà nước; có hệ thống quy định nhà sản xuất, phân phối thu hồi các sản phẩm độc hại, yêu cầu nhà sản xuất ngừng sản xuất, phân phối…

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) đề nghị đề cao vai trò trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là các hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm; cần quy định trách nhiệm của người dân trong phát hiện vi phạm. Cần mở rộng phạm vi các loại chế tài, công khai các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm để người dân biết, thông qua truyền thông đại chúng… khuyến cáo các nơi vi phạm điều chỉnh hành vi.

Đại biểu Mạnh cho rằng biện pháp xử phạt hành chính là cần thiết, tuy nhiên rất cần các biện pháp về kinh tế và đình chỉ các cơ sở vi phạm, không chỉ tạm đình chỉ mà cần có quy định đình chỉ và tước quyền kinh doanh.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng quy định giao cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là phù hợp. Các ngành, địa phương chịu trách nhiệm quản lý hoạt động vệ sinh an toàn trong phạm vi của mình; người đứng đầu ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm…/.

Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục