OECD có thể giúp Việt Nam có “bí quyết thành công”

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD có thể giúp Việt Nam tiếp thu những "bí quyết thành công” để thúc đẩy sự phát triển.
Tại Diễn đàn thế giới về sự phát triển của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhan đề “Triển vọng phát triển Thế giới 2012: sự gắn kết xã hội trong một thế giới biến động” diễn ra tại Paris (Pháp), ông Mario Pezzini, Giám đốc Trung tâm phát triển DEV, đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Pháp về những đánh giá của ông đối với nền kinh tế Việt Nam.

Ông Mario Pezzini cho biết từ 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng rất nhanh trong 10 năm đầu của thế kỷ này.

Theo nhận xét của ông Pezzini và của một số chuyên gia kinh tế, trên thế giới hiện nay, trung tâm của các hoạt động kinh tế đang có xu hướng chuyển dần sang phía Đông, Trung Á và châu Á sau đó xuống phía Nam.

Sự dịch chuyển này sẽ làm thay đổi trên nhiều phương diện, cả về phương thức tăng trưởng, và Việt Nam là một trong những nhân tố chính của sự thay đổi này.

Mỗi nước thành viên đều có những lợi thế cũng như những đặc thù kinh tế tạo động lực cho phát triển. Cho nên cần suy nghĩ để tìm ra cái mới, nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và cho sự phát triển môi trường.

Theo ông Pezzini, Việt Nam là một trong những nước chủ chốt cho sự phát triển năng động ở châu Á. Xét về cấu trúc và năng lực, Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm để có thể giúp các nước đang phát triển khác. Việt Nam có thể đưa ra nhiều sáng kiến và kinh nghiệm tại các cuộc thảo luận bàn tròn quốc tế.

Được hỏi về những dự án và sự giúp đỡ của OECD sẽ dành cho Việt Nam trong thời gian tới, ông Mario Pezzini nhấn mạnh với mục tiêu hỗ trợ các nước đang phát triển hoạch định chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược hợp tác quốc tế, trước hết, OECD có thể giúp Việt Nam tiếp thu những "bí quyết thành công” của nhiều nước để thúc đẩy sự phát triển.

OECD có thể cung cấp cho Việt Nam “nền móng” để trên cơ sở đó Việt Nam đạt được những những thành tựu trong phát triển và trong một chừng mực nào đó cũng có thể giúp đỡ các nước đang phát triển khác rút ra được “những lợi ích và ưu thế” từ phía Việt Nam nhằm cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện sống.

OECD cũng có thể tiếp thu nhiều kinh nghiệm khác của Việt Nam, nhất là khi Việt Nam là một trong 17 thành viên chính thức của Trung tâm phát triển (DEV) từ tháng 3/2008.

Theo ông Mario Pezzini, trên cơ sở bình đẳng với các nước khác về tiếng nói trên các diễn đàn, Việt Nam có thể tranh luận và trao đổi trên nhiều lĩnh vực khác nhau để đưa ra những phân tích sâu hơn về các chính sách và những kinh nghiệm cho các nước đang phát triển khác tham khảo và áp dụng.

Ngoài ra, OECD cũng có thể giúp Việt Nam thực hiện một số dự án tại chỗ nhằm giúp lãnh đạo địa phương phát huy được năng lực của họ.

Sự giúp đỡ chủ yếu tập trung vào hai mặt, thứ nhất là giúp họ nhận biết và tìm ra những điều bất hợp lý là nguyên nhân kìm hãm hoặc giới hạn sự phát triển bền vững. Mỗi nước đều có những tiềm năng, ưu thế cần thiết cho sự phát triển và những hạn chế, và vì thế OECD sẽ giúp các nhà quản lý có thể đưa ra những “phân tích sâu, chuẩn xác và đặc thù hơn” nhằm “giải phóng và phát huy” những yếu tố có lợi và hạn chế các điểm yếu, bất cập đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ hai, OECD có thể ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam tại các diễn đàn đối thoại, trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm giữa các nước như Thái Lan ở châu Á, hoặc các nước Bắc Phi, châu Mỹ Latinh, về những đặc thù văn hóa, năng lực sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm.

Theo ông Pezzini, việc Việt Nam tiến hành trao đổi với những nước có điều kiện và hoàn cảnh tương đồng là điều cần thiết./.

Lê Hà-Trung Dũng/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục