Còn 15.000 lao động hết hạn “trốn” ở lại Hàn Quốc

Theo Bộ Lao động, hiện vẫn còn 15.000 lao động người Việt Nam hết hạn hợp đồng vẫn còn ở lại và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Theo số liệu vừa được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố ngày hôm nay (10/8), trong tổng số 75.000 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc thì có đến15.000 người đã bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp.

Riêng trong khoảng 63.000 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo chương trình thỏa thuận với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc (Chương trình EPS.)  thì có đến 10.000 người đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước.

Những người lao động này sau khi hết hợp đồng không chịu về nước mà tiếp tục ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp.

Đại diện Bộ này cũng cho hay, từ cuối năm 2011, những lao động đầu tiên đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS đã bắt đầu hết hạn hợp đồng nhưng khoảng một nửa số người trên không về nước.

“Tình trạng trên gây ảnh hưởng xấu đến việc xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc,” đại diện Bộ cho hay.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một bộ phận người lao động Việt Nam vẫn chưa tôn trọng các quy định pháp luật của cả Việt Nam cũng như Hàn Quốc, cố ở lại để làm nhằm có thêm thu nhập.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Ha Chan-Ho cho biết: “Người lao động Việt Nam luôn được đánh giá cao về tay nghề cao cũng như sự chăm chỉ, cần cù. Tuy nhiên, số lao động người Việt cư trú bất hợp pháp tăng lên đã ảnh hưởng trực tiếp đến hạn ngạch lao đồng được tuyển sang Hàn Quốc, khiến số lao động Việt Nam được sang Hàn Quốc giảm xuống. Phía Hàn Quốc hy vọng 2 bên sẽ tìm được giải pháp về vấn đề này.”

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Bộ sẽ phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ ý nghĩa, tác dụng, trách nhiệm của mỗi người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm đưa con em sang Hàn Quốc làm việc. Bộ cũng sẽ chỉ đạo chính quyền các địa phương làm tốt công tác vận động để người dân thấy rõ trách nhiệm. Song song với việc này, Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc tư vấn, tuyên truyền cho số lao động đang làm việc tại nước bạn, đặc biệt là số lao động chuẩn bị hết hạn hợp đồng.

Ngoài ra, một giải pháp quan trọng khác cũng được đề cập tới là xem xét hạn chế tuyển lao động tại một số địa phương có nhiều lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng sẽ nghiên cứu để ban hành các chính sách ràng buộc trách nhiệm của người lao động và gia đình người lao động như chính sách ký quỹ, bảo lãnh đối với người lao động; yêu cầu người lao động và gia đình cam kết thực hiện đúng các quy định pháp luật của hai nước.

"Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục làm việc với phía Hàn Quốc để đề nghị phía bạn tăng cường xử lý đôi với doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp; đồng thời đề xuất phía Hàn Quốc sửa đổi, bổ sung một số chính sách, quy định tạo điều kiện cho những người đang ở lại bất hợp pháp được về nước thuận lợi," Bộ trưởng Chuyền cho hay.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý Bộ Lao động Thương binh và xã hội cùng các bộ, ngành, địa phương cần phổ biến, giáo dục cho lao động Việt Nam trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc về trách nhiệm của mình đối với đất nước, tôn trọng luật pháp của Việt Nam cũng như Hàn Quốc. Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác quản lý người lao động tại nước bạn.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Ban Quản lý lao động tại Hàn Quốc cũng như phía Hàn Quốc cần thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật kịp thời về tình hình người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Trên cơ sở này, hai bên cùng thống nhất các vấn đề về cơ chế tài chính để nếu lao động về nước đúng thời hạn sẽ có cơ chế khuyết khích, được hưởng chế độ đầy đủ, nếu không thực hiện tốt phải có chế tài xử lý phù hợp.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tập trung nâng cao chất lượng giáo dục lao động, tuyển chọn những người đủ sức khỏe, phẩm chất, đủ điều kiện đi lao động, đồng thời có chế tài đối với các địa phương có người lao động không về đúng hạn quá cao.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị phía Hàn Quốc rà soát, xem xét và cụ thể hóa các điều kiện, thủ tục để người lao động Việt Nam có thể ở lại một nhiệm kỳ nữa tại Hàn Quốc; rà soát, công bố cách xử lý các doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng người lao động trái phép; thống nhất với Việt Nam việc hạn chế việc người lao động mới sang đã nhảy việc; thảo luận thống nhất chế tài về tài chính để khuyến khích người lao động về nước đúng quy định.

Trên cơ sở những giải pháp trên, ngày hôm nay, 10/8, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc tăng cường tuyên truyền về người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc./.

Quan hệ cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu từ năm 1993, là chương trình hợp tác lớn nhất trong lĩnh vực lao động-xã hội giữa hai nước, hiện đang được triển khai dưới 3 hình thức: lao động đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS); lao động đi làm việc trên các tàu đánh cá của Hàn Quốc; lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao.
 
Hiện có khoảng 75.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó, số lao động đi theo Chương trình Thỏa thuận giữa Bộ Lao động Thương binh và xã hội và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc là gần 70.000 người. Ngoài ra, bình quân mỗi năm doanh nghiệp Việt Nam đưa được khoảng 1000 lao động đi làm việc trên các tàu đánh cá; hơn 200 kỹ sư, chuyên gia Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc trong khuôn khổ Chương trình hợp tác thẻ vàng và vài trăm lao động kỹ thuật đi làm việc thông qua chương trình visa E7, chủ yếu là trong lĩnh vực thợ hàn tay nghề cao, đầu bếp.

Sơn Bách-Phúc Hằng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục