Quy định về xử phạt trong giao thông đường thủy

Thủ tướng ban hành Nghị định số 60/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2011/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Theo đó, các hành vi của tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm các hành vi vi phạm về: quản lý và bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; quy định về phương tiện thủy nội địa; quy định về thuyền viên, người lái phương tiện; quy định về quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; quy định về hoạt động của cảng, bến thủy nội địa và vận tải đường thủy nội địa.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định này, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc chứng chỉ hành nghề khác; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Cụ thể, đối với một trong các hành vi vi phạm như xây dựng công trình trong phạm vi luồng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền; khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trong phạm vi luồng, phạm vi bảo vệ công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa mà không có giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau, kẻ, gắn số đăng ký của phương tiện không đúng quy định; số đăng ký, gắn trên phương tiện bị mờ hoặc bị che khuất; đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè vào hoạt động mà không bảo đảm an toàn theo quy định.

Đối với hành vi sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa giả sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 10 triệu đồng. Đối với hành vi gây tai nạn mà bỏ trốn sẽ phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn từ 3 tháng đến 6 tháng.

Ngoài ra, đối với hành vi chở khách vượt quá quy định về sức chở người của phương tiện vận tải hành khách ngang sông sẽ bị phạt tiền từ 10.000-20.000 đồng tính trên mỗi người chở vượt quá số người được phép chở, nếu chở vượt đến 20% số người được phép chở; phạt tiền từ 20.000-30.000 đồng trên mỗi người chở vượt quá số người được phép chở, nếu chở vượt trên 20%-50% số người được phép chở; phạt tiền từ 30.000-50.000 đồng trên mỗi người chở vượt quá số người được phép chở, nếu chở vượt trên 50% số người được phép chở. Phạt tiền từ 3-5 lần giá vé trên mỗi hành khách chở vượt quá số người được phép chở đối với phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định, phương tiện vận chuyển hành khách du lịch...

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2011, thay thế Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27/1/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; bãi bỏ Điều 1 Nghị định số 156/2007/NĐ-CP ngày 19/10/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27/1/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và Nghị định số 44/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục